Ngày 20-12, thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết đơn vị này đang phối hợp với 6 ngân hàng thương mại triển khai thí điểm ứng dụng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến chính thức công bố phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên vào quý I-2019.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định công bố Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đây là lần đầu tiên ngành ngân hàng có một bộ tiêu chuẩn chung thống nhất về sản phẩm thẻ thanh toán, giúp các ngân hàng và các hãng sản xuất thẻ, thiết bị chấp nhận thẻ (POS) dễ triển khai, khách hàng có thể thanh toán đồng nhất trên hạ tầng thanh toán của toàn bộ ngân hàng thương mại.
Việc ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số lượng thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip có độ bảo mật cao hơn, ngăn ngừa tình trạng đánh cắp thông tin thẻ, mất tiền trong thẻ…
Dự kiến thị trường thẻ Việt Nam sẽ có dòng thẻ ATM có gắn chip đầu tiên vào quý I-2019. Ảnh: NLĐ
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III-2018, cả nước có khoảng 101,3 triệu thẻ ngân hàng các loại, trong đó có hơn 85 triệu thẻ ATM (được làm bằng thẻ từ, có độ bảo mật kém hơn thẻ chip). Hiện các ngân hàng đang triển khai kế hoạch, lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Trưởng phòng phụ trách thẻ ATM, một ngân hàng thương mại lớn tại TP HCM cho biết có nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip mà ngân hàng đang phải tính toán như nâng cấp công nghệ, thay thế máy ATM, POS không đọc được thẻ chip, tính toán chi phí, lộ trình chuyển đổi hợp lý. Chi phí tối thiểu để phát hành thẻ chip khoảng 70.000 đồng/thẻ nên với lượng lớn thẻ ATM đang lưu hành trên thị trường sẽ là bài toán mỗi ngân hàng phải cân nhắc.
Thời gian qua, Napas đã ưu tiên nguồn lực triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia như xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, xây dựng hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia ACH, phát triển dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, cũng như tăng cường an ninh, bảo mật cho các giao dịch điện tử của khách hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới gần nhất, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%. Dù vậy, trong năm 2018, các ngân hàng đã có mức tăng trưởng ấn tượng về lượng giao dịch điện tử xử lý qua hệ thống Napas với hơn 1,3 triệu giao dịch/ ngày, tăng 1,75 lần so với cùng kỳ năm trước. Thói quen của người dùng trong thanh toán đang dần thay đổi theo hướng tích cực.
Bình luận (0)