Sau 6 ngày diễn ra, dự kiến tối nay (2-5), Festival Huế lần thứ 10 bế mạc bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc. Trong những ngày diễn ra, du khách và người dân được sống trong không gian của lễ hội trải dài từ TP Huế về tới làng quê.
Những thành công đáng ghi nhận
Theo đánh giá, Festival Huế có sự khác biệt với nhiều lễ hội là đã giới thiệu với quốc tế về những tài nguyên di sản, về những bản sắc vùng miền một cách sống động nhất. Đó là quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế cùng với các di sản thế giới Huế là hạt nhân gắn kết với nhiều nội dung trong các hoạt động Festival. Đặc biệt, đã giới thiệu những giá trị độc đáo của 5 di sản được UNESCO công nhận, gồm quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế... Nhiều giá trị văn hóa cung đình và dân gian, văn hóa tâm linh hay ngành nghề truyền thống vùng đất cố đô tiếp tục được giới thiệu cùng bè bạn gần xa.
Festival Huế 2018 cũng đã quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam với 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ Việt Nam, cùng với 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia khắp 5 châu. Tổng cộng có gần 1.300 nghệ sĩ, trong đó có 388 nghệ sĩ quốc tế, 398 nghệ sĩ trong nước và 510 diễn viên không chuyên của tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia biểu diễn. Trong suốt 6 ngày diễn ra Festival Huế 2018 (từ 27-4 đến 2-5) có 38 chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu ở các sân khấu trung tâm TP Huế và các huyện, thị xã. Các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều sự kiện hưởng ứng như Festival Thuận An biển gọi (Phú Vang), Hương xưa làng cổ (Phong Điền), Chợ quê ngày hội (Hương Thủy) và hàng loạt sự kiện triển lãm, hội thảo khác đồng loạt được tổ chức.
Nhờ tổ chức quy mô mà Festival Huế năm nay thu hút khá đông khách đến tham quan. Ước tính trong dịp này có trên 400.000 lượt khách đến với Thừa Thiên - Huế, trong đó có khoảng 120.000 lượt lưu trú.
Du lịch Huế kỳ vọng sẽ khởi sắc sau mùa festival tổ chức thành công
Chưa đổi mới, tăng trưởng chậm
Một kỳ festival được đánh giá thành công về mặt tổ chức nhưng câu hỏi đặt ra là du lịch Huế thu được gì, phát triển ra sao?
Festival Huế tổ chức 2 năm/lần nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch của Huế chất lượng chưa cao, chưa đa dạng; du lịch văn hóa di sản là chủ đạo nhưng đơn điệu, chưa hấp dẫn, khai thác tài nguyên thiếu đồng bộ… Minh chứng cho thấy trong năm 2017, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đón gần 3,8 triệu lượt khách nhưng bình quân lưu trú của khách không quá 2 ngày, chi tiêu của khách còn thấp.
Tại hội thảo "Phát triển du lịch Huế" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lồng ghép trong festival vào ngày 27-4, ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, thừa nhận ngành du lịch tỉnh này còn một số hạn chế, như chưa tạo được sản phẩm giải trí về đêm; lữ hành yếu; chưa có sự kết nối hoàn thiện giữa các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng… "Sau kỳ Festival Huế lần này, chúng tôi sẽ nghiên cứu để tổ chức một số hoạt động, lễ hội định kỳ mỗi tháng để thu hút du khách" - ông Minh bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch Thừa Thiên - Huế dù ổn định nhưng chưa đổi mới, sản phẩm có sự phân tán, tốc độ tăng trưởng của du lịch Huế chậm hơn so với các địa phương du lịch trong nước, chưa khai thác đúng mức nguồn tài nguyên du lịch biển… Ông Tuấn góp ý: "Thừa Thiên - Huế cần làm mới sản phẩm cũ và sáng tạo xây dựng sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh khai thác, nâng cấp các dịch vụ trong du lịch di sản thì cần phát triển một số sản phẩm như du lịch ở Bạch Mã, sản phẩm du lịch về đêm, các hoạt động vui chơi, giải trí".
Cái gì cũng có nhưng...
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, nhận xét du lịch Huế cái gì cũng có nhưng không nhiều. Đây là hạn chế khi xây dựng sản phẩm du lịch cho Huế.
"Hiếm có địa phương nào vừa có du lịch văn hóa và tài nguyên du lịch biển như Huế. Do đó, ngành du lịch Huế cần có kế hoạch rõ ràng, nâng tầm đẳng cấp cho hai sản phẩm du lịch này, xem đây là trụ cột để phát triển. Điều quan trọng là Huế cần phải định vị được những sản phẩm du lịch của mình trong chiến lược phát triển dài hạn. Cần tập trung xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đúng tầm. Bên cạnh đó, phải quy hoạch hai bờ sông Hương, xây dựng thành một điểm nhấn của du lịch Huế" - ông Thiện nói.
Bình luận (0)