Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo điều chỉnh quy hoạch, Hà Nội sẽ giảm dần quy mô công suất các nhà máy nước ngầm để đảm bảo khai thác an toàn nguồn nước ngầm.
Các nhà máy nước ngầm bị suy giảm về chất lượng, trữ lượng sẽ chuyển thành nguồn dự trữ, trạm điều tiết, trạm bơm tăng áp cục bộ cho Thủ đô Hà Nội. Nguồn nước ngầm dự kiến khai thác đến năm 2025 khoảng 615.000 m3/ngày, giai đoạn đến năm 2030 khoảng 504.000 m3/ngày và giai đoạn đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngày.
Nhà máy nước mặt sông Đuống
Theo điều chỉnh, công suất đến năm 2030 nhà máy nước mặt sông Đà đạt 900.000 m3/ngày (phần cấp cho Hà Nội khoảng 800.000 m3/ngày). Phạm vi cấp nước cho Thủ đô Hà Nội bao gồm khu vực dọc Đại lộ Thăng Long thuộc các quận huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Nam Từ Liêm (từ vành đai 3 đến vành đai 4); cấp nguồn bổ sung cho khu vực trung tâm Hà Nội, Hà Đông, thị xã Sơn Tây, một phần huyện Chương Mỹ và cấp bổ sung cho tỉnh Hòa Bình.
Nhà máy nước mặt sông Đuống đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày (phần cấp cho Hà Nội khoảng 475.000 m3/ngày), định hướng đến nam 2050 là 900.000 m3/ngày (phần cấp cho Hà Nội khoảng 650.000 m3/ngày).
Phạm vi cấp nước cho Thủ đô Hà Nội của Nhà máy nước mặt sông Đuống gồm khu vực phía Đông (quận Long Biên, huyện Gia Lâm); một phần phía Bắc (huyện Đông Anh, Sóc Sơn); cấp nước bổ sung một phần khu trung tâm; khu vực phía Nam (huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên), cấp bổ sung cho các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh...
Nguồn nước mặt sông Hồng đến 2025 công suất đạt 300.000 m3/ngày, đến năm 2030 vẫn là 300.000 m3/ngày và định hướng năm 2050 là 450.000 m3/ngày. Phạm vi cấp nước là khu vực phía Tây Hà Nội gồm các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ; kết nối bổ sung cấp nước cho các chuyện Mê Linh, Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ và Cầu Giấy.
Các nhà máy nước xây dựng mới được lựa chọn công nghệ và thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo môi trường. Đối với các nhà máy nước hiện có sẽ tiếp tục rà soát, cải tạo, nâng cấp công nghệ xử lý để đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn hiện hành.
Công nghệ xử lý nước được áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 và quản lý nước thông minh để không ngừng nâng cao chất lượng nước sau xử lý đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao.
Quyết định điều chỉnh quy hoạch cũng đã nêu rõ dự báo tác động và diễn biến môi trường khi thực hiện quy hoạch. Theo đó, khai thác nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống và sông Đà là các con sông có chế độ thủy văn và dòng chảy phức tạp nên việc khai thác nguồn nước có thể ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy và xói lở thân đê. Khai thác nguồn nước ngầm ảnh hưởng đến địa chất, chất lượng nước không đảm bảo.
Trong quá trình xây dựng các nhà máy nước và các tuyến ống truyền tải có thể gây cản trở giao thông, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường khu vực và dọc các tuyến ống truyền tải.
Nhà máy Nước Sông Đuống do Tập đoàn AquaOne của bà Đỗ Thị Kim Liên hay còn gọi là Shark Liên làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đưa vào khai thác, nhà máy đã vướng nhiều lùm xùm liên quan đến giá bán nước, nghiệm thu công trình cũng như các cổ đông sở hữu...mà báo chí đã phản ánh.
Hồi tháng 9-2020, báo Người Lao Động đã đưa tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc đề nghị sở này cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Bình luận (0)