Sau vụ tiệm vàng Hoàng Mai (quận Bình Thạnh, TP HCM) bị cơ quan công an tạm giữ, niêm phong 14.000 USD và 559 lượng vàng (đã giải tỏa niêm phong vàng - PV) vì giao dịch trái phép 100 USD, một số tiệm vàng hoặc ngừng giao dịch hoặc vẫn mua bán ngoại tệ trái phép nhưng kín đáo hơn.
Giao tận nhà, báo giá qua điện thoại
Chủ tiệm vàng K.M (đường Cống Quỳnh, quận 1) cho biết: “Đổi 100 USD, tiệm vàng kiếm lời chênh lệch chỉ vài ngàn đồng. Thực tế một số khách hàng khi mua nữ trang trả tiền bằng USD, tiệm vàng muốn giữ chân khách nên phải nhận. Nhưng sau vụ này, tiệm tôi không dám thu đổi USD nữa”.
Đại diện một công ty vàng tại TP HCM nhận xét vụ tiệm vàng Hoàng Mai thật sự là cú giáng mạnh vào giới kim hoàn trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từ sau khi có Nghị định 95 của Chính phủ về quản lý ngoại hối (hiệu lực tháng 10-2011) và Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng (tháng 5-2012), chỉ những đơn vị được Ngân hàng (NH) Nhà nước cấp giấy phép mới được mua bán vàng miếng, ngoại tệ.
“Giao dịch USD, vàng miếng bị cấm khiến doanh thu của các tiệm vàng sụt giảm mạnh, chỉ còn trông chờ vào vàng nữ trang nhưng sức mua rất kém. Nếu mọi năm từ tháng 4, 5 bắt đầu vắng khách thì nay chỉ mới tháng 3, lượng khách đã èo uột. Sau vụ việc này, sẽ có nhiều tiệm vàng “đoạn tuyệt” với USD, vàng miếng” - vị đại diện này nói.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một số tiệm vàng vẫn lén lút giao dịch khi khách hàng có nhu cầu. Chiều 28-4, chủ tiệm vàng N.H (chợ Tân Định, quận 1) báo giá USD qua điện thoại mua vào 21.100 đồng/USD, bán ra 21.150 đồng/USD. Nếu mua bán số lượng nhiều có thể cho nhân viên giao tận nhà để bảo đảm an toàn hoặc khách hàng tới tiệm nhưng sẽ vào bên trong...
Trước đó, ngày 27-4, chủ tiệm vàng K.T (đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2) báo giá USD mua vào 21.080 đồng/USD, bán ra 21.140 đồng/USD. Chủ tiệm vàng K.K (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết khách có nhu cầu, tiệm vẫn mua bán USD bình thường nhưng “đừng lộ liễu quá, đến giao dịch nhớ vào bên trong tiệm rồi mới lấy ngoại tệ ra, tránh để bị để ý”.
Nên giao dịch ở nơi được cấp phép
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, các tiệm vàng biết việc mua bán USD, vàng miếng là vi phạm pháp luật nhưng ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Ngoài hệ thống NH thương mại, số lượng doanh nghiệp tư nhân được phép kinh doanh vàng miếng rất ít, đếm trên đầu ngón tay.
Mạng lưới các NH thương mại chủ yếu nằm ở nội thành, không phủ đủ khắp thành phố, lại làm việc giờ hành chính nên khi người dân có nhu cầu về vàng miếng, đổi USD thường tới tiệm vàng. Thủ tục giao dịch vàng tại NH cũng rất phức tạp. “Có khi cả nửa giờ mới bán được miếng vàng nên người dân thích tiệm vàng vì tiện lợi” - ông Dưng nhận xét.
Khẳng định nhu cầu của người dân về trao đổi, mua bán và nắm giữ vàng, ngoại tệ là có, tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết hiện TP HCM có hơn 1.000 điểm giao dịch vàng miếng được cấp phép. Với ngoại tệ, ngoài các điểm giao dịch của hệ thống NH thương mại, thành phố còn cấp phép cho 73 điểm thu đổi ngoại tệ ở sân bay, nhà hàng, khách sạn 3-5 sao, các điểm du lịch, một số khu vực trung tâm quận 1, 3…
“Người dân có nhu cầu mua bán, trao đổi ngoại tệ nên vào các điểm giao dịch được cấp phép để tránh bị tịch thu tang vật, xử phạt. Đối với các tiệm vàng mua bán vàng miếng, USD trái phép, vụ việc của tiệm vàng Hoàng Mai là bài học bởi hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình kinh doanh vàng miếng, ngoại tệ của các tiệm vàng được công an, quản lý thị trường và NH Nhà nước tiến hành thường xuyên” - ông Minh khuyến cáo.
Đại diện UBND quận Bình Thạnh: Quyết định khám xét không sai
Chiều 28-4, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, chủ tiệm vàng Hoàng Mai, cho biết vẫn còn điều trị ở bệnh viện vì sức khỏe yếu, căng thẳng thần kinh, khó thở. Vì vậy, các thủ tục làm đơn khiếu nại quyết định khám xét tiệm vàng của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, bà Mai đã ủy quyền cho luật sư bởi ngay khi vụ việc xảy ra, bà Mai đã nhờ luật sư can thiệp, tư vấn pháp lý. Hiện luật sư đang chuẩn bị hồ sơ để làm đơn khiếu nại, nếu cần thiết sẽ tiến hành khởi kiện.
Trong khi đó, chiều 28-4, ông Phan Văn Định, Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh, cho biết: “Nội dung quyết định khám xét là đúng, không có gì sai. Địa chỉ kinh doanh cũng là nơi ở nên UBND cấp quận có thẩm quyền ra quyết định khám xét. Trong quyết định ghi rất rõ: “Khám xét nơi cất giấu tang vật là nơi ở”. Khoản 2, điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định. Trong giấy đăng ký kinh doanh không ghi rõ số nhà mấy, đường số mấy là nơi kinh doanh nhưng đồng thời cũng là nơi ở”.
Trước nghi ngờ của dư luận về việc nhiều tiệm vàng kinh doanh ngoại tệ nhưng chỉ có tiệm vàng Hoàng Mai bị bắt quả tang, ông Định cho rằng cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình xử lý phải xác minh, làm rõ vấn đề mới tiến hành. “Phải có cơ sở để xử lý chứ đâu phải muốn kiểm tra là kiểm tra” - ông Định nói.
P.Anh - T.Phương
Bình luận (0)