Tại buổi đối thoại giữa chính quyền TP HCM với doanh nghiệp (DN) Nhật Bản do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP (ITPC) cùng Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức ngày 15-2, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP, khẳng định trong năm nay, sẽ phấn đấu rút ngắn 50% thời gian thông quan so với hiện hành.
Thủ tục thuế gây khó
Tại buổi đối thoại, nhiều DN Nhật Bản đang làm ăn ở Việt Nam than phiền về thủ tục thuế. Theo quy định, lãi chậm nộp tiền thuế đối với khoản thuế chưa nộp được đưa ra sau khi thanh tra thuế. DN phải đóng khoản lãi này cho đến ngày có quyết định của cơ quan thuế nhưng gần đây, một số DN bất ngờ nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc truy thu thêm tiền lãi dù chỉ chậm vài ngày.
Đại diện Cục thuế TP cho rằng sau khi bị thanh tra thuế, lãi chậm nộp được tính đến ngày DN thực nộp tiền vào ngân sách, chứ không phải ngày có quyết định gửi tới DN.
“Ba năm trước, chúng tôi bị thanh tra thuế và yêu cầu đóng khoản lãi chậm nộp, DN đã thực hiện đầy đủ và hoạt động bình thường. Mới đây, chúng tôi lại nhận được thông báo của cơ quan thuế về vụ việc 3 năm trước là khoản lãi chậm nộp vẫn còn bị đóng thiếu… vài ngày. Cơ quan thuế lật lại vụ việc nhiều năm trước và thu ngược về quá khứ là không hợp lý” - đại diện một DN Nhật hoạt động trong lĩnh vực hóa chất băn khoăn.
Đại diện một ngân hàng Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam thuật lại vụ việc tương tự và cho biết ngân hàng này cũng từng nhận được thông báo đóng bổ sung tiền lãi chậm nộp từ cơ quan thuế TP. Theo vị đại diện DN này, dù chỉ vài ngày nhưng với DN Nhật, nhất là ngành ngân hàng có những quy định riêng về kiểm soát nội bộ, dù chỉ một đồng cũng phải được ngân hàng mẹ ở Nhật chấp thuận và thủ tục rất phức tạp. “Cục thuế TP có thể kiến nghị Tổng cục Thuế đơn giản thủ tục trong vấn đề này để DN thuận lợi hơn” - vị đại diện ngân hàng kiến nghị.
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản nêu bức xúc tại buổi đối thoại với chính quyền TP HCM
Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM Lê Duy Minh thừa nhận việc chưa rõ ràng của cơ quan thuế trong thông báo tính lãi chậm nộp từ 3 năm trước. Hiện ngành thuế đã cải thiện thủ tục này và sẽ ghi nhận ý kiến của DN, kiến nghị Tổng cục Thuế làm sao để minh bạch hơn trong chính sách.
Theo ông Lê Duy Minh, năm 2017, chính sách thuế không thay đổi nhiều so với những năm trước. Hiện có gần 100% DN trên địa bàn kê khai thuế điện tử, gần 90% DN nộp thuế điện tử và phấn đấu trong quý I/2017 sẽ triển khai hoàn thuế điện tử và khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử. Làm được điều này, không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà ngành thuế cũng minh bạch hơn trong quản lý.
Hải quan có trách nhiệm truy xuất dữ liệu
Ông Đinh Ngọc Thắng cho biết thời gian qua, thủ tục hải quan đã có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn nhằm tạo thuận lợi cho DN và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, Cục Hải quan TP đã cam kết với UBND TP và cộng đồng DN là sẽ rút ngắn 50% thời gian thông quan so với quy định hiện nay. Đồng thời, các thủ tục thông quan liên quan đến hàng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu cũng sẽ được cải thiện hơn nữa, mục tiêu giảm mạnh số tờ khai luồng vàng, luồng đỏ (phải kiểm tra hàng hóa trực tiếp) và tăng số lượng tờ khai luồng xanh (thông quan ngay).
“Cục Hải quan TP đang triển khai việc giao trách nhiệm thông quan hàng hóa cho các DN kinh doanh cảng nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục và DN không phải tốn chi phí lưu kho bãi với những tờ khai luồng xanh” - ông Thắng cho biết.
Tại buổi đối thoại, vấn đề được nhiều DN Nhật Bản quan tâm là có trường hợp DN đã nộp thuế đầy đủ và đúng hạn nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu xuất trình giấy nộp tiền có xác nhận của ngân hàng mới được thông quan hàng hóa. Thời gian cập nhật tình trạng nợ thuế khá lâu ảnh hưởng đến hoạt động của DN…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Cục Hải quan TP, cho rằng bức xúc của DN xuất phát từ thói quen cũ của một số cán bộ hải quan. Họ ngại tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử của ngành mà yêu cầu DN phải đưa giấy nộp tiền mới cho thông quan.
Để cải thiện tình trạng này, lãnh đạo ngành hải quan TP đề nghị DN bỏ thói quen đưa giấy nộp tiền khi được yêu cầu. Hiện Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận liên kết với 17 ngân hàng thương mại, trong đó có 2 ngân hàng của Nhật Bản. Theo thỏa thuận, khi DN nộp tiền vào ngân hàng, lập tức dữ liệu xuất hiện trên cổng thông tin điện tử của hải quan. “Nếu có trục trặc trong khâu kiểm tra dữ liệu là trách nhiệm của hải quan và Kho bạc Nhà nước, chứ không phải của DN. Do đó, DN chỉ cần xuống cửa khẩu, đọc số tờ khai để thông quan hàng hóa mà không cần đem theo giấy nộp tiền” - ông Toản nhấn mạnh.
Kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt - Nhật
Trong chương trình kết nối DN Nhật Bản - Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam tổ chức mới đây, 20 DN Nhật Bản và 80 DN Việt Nam đã có buổi trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. DN hai nước được chia thành các nhóm nhỏ để trực tiếp trao đổi và giới thiệu hàng hóa. DN Nhật Bản đã mang sang Việt Nam các mặt hàng như hoa quả sấy khô, rau củ sấy, mì gói... để tìm đối tác.
Ông Hiroshi Chishima, Phó trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, cho biết đoàn DN Nhật Bản đã đi thực địa tại Lâm Đồng và Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở Vĩnh Phúc. Đoàn đánh giá nông nghiệp ở Việt Nam đang có sự phát triển, tuy nhiên chủ yếu vẫn là phương thức kinh doanh ở quy mô nhỏ và hộ gia đình. Trong thời gian tới, DN Nhật Bản sẽ tìm ra các cơ hội hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam theo các hình thức chuyển giao công nghệ hoặc cung cấp máy móc, thiết bị, hạt giống nhằm cải thiện phương thức canh tác nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm. D.Ngọc
Bình luận (0)