Theo cựu phi công Mai Trọng Tuấn, người đầu tiên đưa ra ý tưởng về đường bay vàng Hà Nội - TP HCM, việc rút ngắn khoảng cách so với đường bay hiện tại không chỉ là bài toán về kinh tế mà còn là hàng loạt lợi ích khác…
Đang tiến hành bay thử nghiệm
Ngày 30-8, trao đổi với Báo Người Lao Động, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh - cho biết 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air đã tiến hành bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM (thường gọi đường bay vàng) qua không phận Lào, Campuchia trong hệ thống buồng lái giả định (SIM). Hai hãng đã phối hợp với Phòng Quản lý hoạt động bay - Cục Hàng không Việt Nam để lập phương án, gồm cả đường bay, phương thức bay và tính toán bằng hệ thống lập kế hoạch bay rồi tiến hành bay thử trong SIM.
Quá trình bay thử sẽ tiến hành trên máy bay Airbus A321, A320 và Boieng 777, ở mực bay tối ưu (mực bay tiết kiệm nhiên liệu nhất)… “Các đơn vị đang tiến hành các bước, tính toán thông số cần thiết và chúng tôi sẽ công bố kết quả bay thử trong SIM khi hoàn tất” - ông Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc VietJet Air, quá trình bay thử sẽ diễn ra trong khoảng 1 tuần, thử nghiệm nhiều tình huống có thể xảy ra ngoài thực tế trước khi đánh giá kết quả sau cùng. Nhiều chuyên gia đã tính toán, phân tích hiệu quả của đường bay vàng như tiết kiệm được bao nhiêu tấn nhiêu liệu, khoảng cách, chi phí… nhưng để có con số chính xác thì cần phải kiểm tra. Trên cơ sở đó mới thỏa thuận với nước bạn về mức phí quá cảnh và đề nghị giảm.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản trình Chính phủ xin nghiên cứu lại đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM qua không phận Lào, Campuchia. Lý giải về việc không triển khai đề án này trước đây, Bộ GTVT cho biết do nhiều nguyên nhân nên việc nghiên cứu đường bay thẳng này chưa khả thi. Nay, được sự ủng hộ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng sự phát triển của khoa học công nghệ trong ngành hành không nên hội đủ điều kiện để triển khai.
Theo Bộ GTVT, về góc độ kỹ thuật, công nghệ dẫn đường hiện nay đã cho phép thực hiện việc mở đường hàng không thẳng, chuyển sang dẫn đường theo tính năng, sử dụng vệ tinh toàn cầu mà không phải đầu tư hàng loạt thiết bị dẫn đường trên mặt đất. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay của Lào, Campuchia lập phương án xử lý giải quyết các điểm nút giao cắt với các đường hàng không khác, bảo đảm an toàn cho hoạt động bay.
Được lợi nhiều thứ
Việc mở đường bay Hà Nội - TP HCM sẽ giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, giảm khối lượng khí thải, đồng thời giảm mật độ bay dân dụng trên trục Bắc - Nam trong vùng trời Việt Nam…
Ông Mai Trọng Tuấn nhận xét việc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị bay thử để kiểm tra tính khả thi, hiệu quả của đường bay vàng cho thấy quyết tâm rất lớn. Dù không cần bay thử cũng thấy được lợi ích của đường bay vàng bởi nhìn trên bản đồ đã có thể thấy đường bay thẳng sẽ ngắn hơn, giảm cự ly so với đường bay hiện tại.
“Một số ý kiến cho rằng đường bay thẳng nguy hiểm hơn nhưng tôi khẳng định đường bay theo kinh tuyến 106 độ Đông nằm hoàn toàn trên đất liền, hai bên đều có những sân bay dự bị nên công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sẽ dễ hơn trên biển. Các điểm bay có độ cao trên 1.500 m, chỉ bằng 1/4 so với đường bay hiện tại. Thời nay, yếu tố về kỹ thuật không còn là vấn đề lớn” - ông Tuấn quả quyết.
Về trở ngại sẽ tạo thêm 13 điểm giao cắt mới, cự ly rất gần nhau gây áp lực lớn cho công tác điều hành không lưu do phía Cục Hàng không đưa ra, ông Mai Trọng Tuấn cho rằng trên bầu trời châu Âu mỗi ngày có 24.000 chuyến bay thì giao cắt như thế nào? Trong một vạch đường từ A đến B trên bầu trời, có nhiều mực bay và có quy định cụ thể, khống chế bằng độ cao, mỗi máy bay cách nhau 300 m là an toàn, nên việc giao cắt cũng không đáng lo.
Yếu tố cản trở lớn để triển khai đường bay vàng lúc này chính là phí quá cảnh qua không phận Lào, Campuchia. Với một chuyến bay Hà Nội - TP HCM, chi phí quá cảnh các hãng phải trả sẽ khoảng 850 USD/chuyến bay Boeing 777 và khoảng 650 USD/chuyến cho máy bay A320 (cho cả 2 nước Lào, Campuchia). Bộ GTVT đã đề xuất ngành hàng không nước bạn giảm 30% phí quá cảnh và (chờ phê duyệt). Riêng Vietnam Airlines đề xuất phải giảm phí quá cảnh 50% thì mới bảo đảm đường bay thẳng có lãi.
Cựu phi công MAI TRỌNG TUẤN:
Tiết kiệm hàng tấn nhiên liệu
Ông LÊ HỒNG HÀ, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific:
Rút ngắn 142 km bay
TS LƯƠNG HOÀI NAM, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu:
Dư tiền để trả phí quá cảnh
Với đường bay này, các hãng hàng không mong muốn tiết kiệm được càng nhiều chi phí chuyến bay càng tốt nên cần cố gắng thỏa thuận mức phí bay quá cảnh hợp lý với Lào, Campuchia để tăng lợi ích kinh tế. Số tiền phải trả phí quá cảnh cho 2 nước vẫn còn thấp hơn nhiều so với các lợi ích trực tiếp và gián tiếp của nó. Chẳng hạn, mỗi năm có hơn 5 triệu lượt người đi lại giữa Hà Nội và TP HCM; nếu mỗi người bớt được 10 phút bay, tổng số giờ bay xã hội tiết kiệm được rất đáng kể.
Ông NGUYỄN ĐỨC TÂM, Phó Tổng giám đốc VietJet Air:
Giảm chi phí cho hành khách
T.Phương ghi
Bình luận (0)