Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trong vòng 10 năm qua (1998-2008), từ một loài cá bản địa, cá tra đã nhanh chóng trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Trong đó, sản lượng tăng gấp 50 lần, vượt ngưỡng 1 triệu tấn/năm; giá trị xuất khẩu tăng gấp 65 lần, đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước.Tổng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL năm 2008 là 6.160 ha, với sản lượng 1.128.000 tấn, xuất khẩu đạt 640.829 tấn, chiếm 51,8% tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản cả nước với giá trị kim ngạch 1,453 tỉ USD. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn nên diện tích và sản lượng nuôi cá tra, ba sa liên tục tăng nhưng không bền vững; giá thức ăn nuôi thủy sản cũng tăng cao, do đó giá thành nuôi cá tra tăng 40% so với năm 2007. Theo các đại biểu tham dự hội nghị, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình trạng phát triển “nóng”, không theo quy hoạch và thiếu tính bền vững; mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chưa được chặt.
Sản xuất cá ba sa xuất khẩu tại ĐBSCL. Ảnh: N. TRINH
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị: Cần đưa cá tra, ba sa trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia, đồng thời đề nghị thành lập hiệp hội cá tra, ba sa VN và thống nhất đề nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phụ trách. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý thành lập hiệp hội cá tra, ba sa khu vực ĐBSCL.
Bình luận (0)