Đúng 10 năm có sự góp mặt của doanh nghiệp (DN) tư nhân bằng việc cấp phép bay cho Công ty CP Hàng không Vietjet, thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh chưa từng có. Điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực của ngành hàng không trước yêu cầu phát triển của thị trường nhưng cũng bộc lộ những hạn chế cần điều chỉnh.
Ngừng bay vẫn nợ đầm đìa
Tại báo cáo tài chính quý II/2017 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa gửi đến các cổ đông, DN này cho biết Công ty CP Hàng không Mekong (Air Mekong) vẫn chưa thanh toán khoản nợ gần 26 tỉ đồng phát sinh từ thuê dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ… của ACV theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. Bảng nợ xấu của ACV có tổng cộng 19 khách nợ, trong đó có 3 hãng hàng không. Đáng lưu ý, tổng nợ xấu của ACV đối với 19 khách nợ nói trên là 30,2 tỉ đồng thì riêng Air Mekong chiếm 25,907 tỉ đồng. Các khách nợ là hãng hàng không khác gồm Transaero Airlines (hàng không Nga) nợ 2,6 tỉ đồng và hãng hàng không SW Italia (hãng hàng không chở hàng của Ý) nợ 634 triệu đồng. Air Mekong nhận giấy phép kinh doanh hàng không ngày 30-10-2008 và khai trương chuyến bay đầu tiên ngày 9-10-2010. Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của Air Mekong là chọn dòng máy bay thân hẹp Bombardier CRJ900 dưới 90 chỗ ngồi, khai thác các tuyến du lịch biển và đặt căn cứ tại sân bay Phú Quốc. Cuối năm 2013, Air Mekong thua lỗ, ngừng bay. Trong nỗ lực tái cơ cấu để quay lại thị trường, Air Mekong đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư, ngân hàng rót thêm vốn. Một trong những người có mặt tại lễ ký là "bầu" Kiên (Nguyễn Đức Kiên) nhưng sau đó, thương vụ không thành. Đầu năm 2015, Air Mekong bị thu hồi giấy phép do không có năng lực tài chính để tái cơ cấu.
Dù đã ngừng bay nhiều năm nhưng Air Mekong vẫn còn nợ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam 25,907 tỉ đồng Ảnh: TẤN THẠNH
Trước Air Mekong, hãng hàng không Indochina Airlines do nhạc sĩ Hà Dũng làm tổng giám đốc điều hành là bài học thất bại đầu tiên của hàng không tư nhân. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec), xác nhận Indochina Airlines vẫn còn nợ Skypec 30 tỉ đồng tiền nhiên liệu bay.
Công nợ phát sinh từ năm 2009, chỉ một thời gian ngắn sau khi Indochina Airlines cất cánh nhưng Skypec (khi đó là Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam - Vinapco do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) không đòi được nợ, cũng không thể ngừng cung cấp xăng dầu vì lo bị quy vào lỗi làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không.
Trước nguy cơ mất vốn nhà nước, cuối năm 2010, Vinapco đã khởi kiện Indochina Airlines ra Tòa Kinh tế Hà Nội. Ngày 28-2-2011, Tòa Kinh tế Hà Nội đã mở phiên xét xử đầu tiên nhưng nhạc sĩ Hà Dũng vắng mặt, cũng không ủy quyền cho người đại diện tham dự. Không triệu tập được ông Hà Dũng ở Tòa Kinh tế Hà Nội, Vinapco tiếp tục chuyển hồ sơ vào tòa án phía Nam nhưng vẫn không thu hồi được công nợ. Indochina Airlines nhận giấy cấp phép kinh doanh vận tải hàng không tháng 5-2008 với tên gọi ban đầu là Công ty CP Hàng không Tăng Tốc (AirSpeedUp), vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Đúng sinh nhật của nhạc sĩ Hà Dũng, ngày 25-11-2008, Indochina Airlines cất cánh, song chỉ được vài tháng sau đã thua lỗ, sau đó bị thu hồi giấy phép. Đến nay, Vinapco đã 3 lần đổi lãnh đạo nhưng vẫn không thể đòi được khoản nợ 30 tỉ đồng của Indochina Airlines.
Đại diện ACV và Skypec cho biết số nợ của Air Mekong và Indochina Airlines tuy không lớn so với quy mô DN nhưng đây là nợ phải thu để bảo đảm tài sản, vốn nhà nước tại DN. Các khoản nợ này đều phải có trích lập dự phòng nợ xấu 1-1.
Phải qua 2 bộ thẩm định
Hiện có ít nhất 3 hãng hàng không đã đệ đơn xin cấp phép, gồm Công ty CP Bay và Du lịch biển Tân Cảng; Công ty CP Hàng không Skyviet; Công ty Hàng không Tre Việt và 1 DN xin gia hạn giấy phép là Công ty CP Dịch vụ Globaltrans Air. Trước đó, có một DN khác là Vietstar Air đã nhận được ý kiến chính thức của Văn phòng Chính phủ là chưa xem xét thông qua chủ trương đầu tư do hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Bên cạnh đó, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, công ty mẹ của hãng hàng không Hải Âu - cho biết trong một tháng nữa, sẽ trình hồ sơ cấp phép đến cơ quan chức năng để hiện thực hóa kế hoạch hợp tác, liên doanh với Tập đoàn Hàng không giá rẻ AirAsia như đã ký kết.
Vận tải hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải được sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Chính phủ, trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới được cấp phép. Trước đây, việc thẩm định cấp phép thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, thực hiện theo Nghị định 92 hướng dẫn thi hành Luật Hàng không dân dụng. Tuy nhiên, từ khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, nhà đầu tư lại phải qua một cửa thẩm định hồ sơ nữa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do quy định mới, Công ty CP Bay và Du lịch biển Tân Cảng đã nộp hồ sơ xin cấp phép từ cuối năm 2016, nay phải hoàn thiện lại hồ sơ trình 2 bộ thẩm định.
Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam xem xét thận trọng việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển lành mạnh và bền vững. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.
Theo các chuyên gia, việc thận trọng trong quy trình cấp phép kinh doanh vận tải hàng không là cần thiết vì không chỉ liên quan đến các vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, an toàn. Song cũng cần phải tính toán đến sự thuận lợi cho nhà đầu tư gia nhập thị trường, không để điều kiện kinh doanh trở thành rào cản.
Bình luận (0)