Đại diện Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM cho biết: Hiện trên địa bàn TPHCM chỉ có 472 cửa hàng hoa kiểng, 194 cửa hàng cá cảnh. Cửa hàng có diện tích dưới 50 m2 chiếm đến 20%, dưới 100 m2 chiếm đến 40% nên không trưng bày được nhiều sản phẩm, không thu hút được khách hàng.
Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Củ Chi, hoa kiểng đến tay người tiêu dùng bị đẩy giá lên quá cao nên phần nào ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Với hoa lan cắt cành, thương lái thu mua tại nhà vườn chỉ 5.000 - 6.000 đồng/cành, đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên 12.000 - 20.000 đồng/cành. Theo ông Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, nhu cầu tiêu thụ hoa tại TPHCM rất lớn nhưng nguồn cung cấp tại chỗ một số loại còn hạn chế. Riêng hoa lan cắt cành tại TPHCM cũng chỉ đáp ứng được gần 30%, số còn lại phải nhập từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc... Cụ thể như năm 2009, Thái Lan bán sang Việt Nam hơn 23 triệu cành lan, gần 4 triệu chậu lan.
Ông Trương Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, cho biết các điểm kinh doanh sinh vật cảnh phần lớn là nhỏ lẻ, manh mún. Cả TP chỉ có chợ hoa Hồ Thị Kỷ nhưng là chợ “chồm hổm”, chưa có chợ đầu mối hoặc trung tâm phân phối hoa đúng nghĩa. Để đa dạng hóa nguồn cung, giúp người tiêu dùng mua được hoa kiểng với mức giá phù hợp, TPHCM cần sớm quy hoạch vùng sản xuất hoa lan, cây cảnh ổn định và lâu dài để nông dân có nơi canh tác với số lượng lớn. Ngoài ra, phải xây dựng các chợ, trung tâm phân phối hoa kiểng để người dân thuận tiện mua sắm. Từ nay đến năm 2020, cần xây dựng ít nhất 3 trung tâm bán buôn sinh vật cảnh, mỗi trung tâm có diện tích tối thiểu 2 ha. Xây dựng hệ thống bán lẻ ở các quận - huyện, mỗi nơi có từ 2 - 3 khu vực tập trung bán lẻ.
Bình luận (0)