Trong khi đang dính nhiều nghi vấn về đa cấp bất động sản (BĐS) và việc đe dọa truy sát cán bộ, nhân viên VTV9 nhưng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển dự án BĐS Smartland (viết tắt Công ty Smartland - lầu 9 tòa nhà Kicotrans, 46 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM), do ông Vũ Đức Tĩnh làm Chủ tịch HĐQT, vẫn công khai chào mời nhà đầu tư hợp tác góp vốn và được chia lợi nhuận sau 24 tháng.
Cùng một chiêu thức
Tuy nhiên, hoạt động cũng như các chiêu thức mời gọi nhà đầu tư của Công ty Smartland rất giống với hoạt động của Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ và Thương mại Thái Tuấn (Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh) và Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ địa ốc Greenland (Greenland) cũng do Vũ Đức Tĩnh làm chủ. Một số người đã từng đầu tư vào Thái Tuấn và Greenland nhận xét đây thực chất là chiêu "thoát xác" của Vũ Đức Tĩnh nhằm qua mặt nhà đầu tư.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh và giấy chứng nhận cổ phiếu do Công ty Smartland phát hành cho nhà đầu tư
Chỉ tay vào hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh của Công ty Smartland, anh Tịnh - người từng bỏ 1,23 tỉ đồng vào Công ty Thái Tuấn, cho biết phần lớn nội dung của 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh của hai công ty này gần như giống nhau. Trong khi đó, anh T.P.H (quận Phú Nhuận, TP HCM) - người từng ký hợp đồng hợp tác với Công ty Greenland cũng xác nhận hợp đồng của công ty này có nội dung tương tự hợp đồng của Công ty Smartland và Công ty Thái Tuấn.
Thực tế cho thấy hợp đồng của Công ty Smartland, Greenland thể hiện mục đích sử dụng số tiền của người hợp tác để xây dựng các dự án BĐS. Còn hợp đồng của Công ty Thái Tuấn thể hiện mục đích xây dựng các chuỗi kinh doanh dịch vụ và sản xuất (nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới, tour du lịch…).
Điểm đáng chú ý là cả 3 hợp đồng của 3 công ty (Smartland, Greenland và Thái Tuấn) đều do ông Vũ Đức Tĩnh ký với chức danh giám đốc. Mỗi hợp đồng đều có 23-25 điều khoản và hơn 20 điều khoản có tiêu đề giống nhau. Trong đó, các điều khoản về phân chia lợi nhuận, chuyển nhượng hợp đồng, tạo việc làm… cho người hợp tác kinh doanh giống nhau đến từng câu chữ, con số…
Đặc biệt, hợp đồng 3 công ty (Smartland, Greenland và Thái Tuấn) đều ràng buộc người hợp tác kinh doanh chỉ được chia lợi nhuận với điều kiện người đó cam kết tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, giao dịch BĐS giảm giá 15% thường xuyên, đồng thời giới thiệu người khác tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, giao dịch BĐS của các công ty Smartland, Greenland và Thái Tuấn.
Làm gì có cái gọi là "cổ phiếu nội bộ"
Tuy nhiên, hợp đồng Công ty Smartland có thêm một số nội dung khác biệt so với hợp đồng của Greenland và Thái Tuấn. Theo đó, tùy vào tình hình kinh tế thị trường, Công ty Smartland có thể điều chỉnh chi trả lợi nhuận cho người góp vốn bằng tiền ảo (coin), cổ phiếu, hàng hóa, BĐS…; số lần điều chỉnh tối đa 10 lần trong vòng 360 ngày…
Trong khi đó, anh N.V.T (tỉnh Cà Mau) cho biết anh vừa ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Smartland 100 triệu đồng. Lập tức, công ty cấp cho anh giấy chứng nhận 100.000 cổ phiếu BĐS nội bộ. Trong đó ghi rõ số cổ phiếu này nằm trong 50 triệu cổ phiếu BĐS nội bộ do công ty phát hành vào ngày 1-7 với giá 8.000 đồng/cổ phiếu. "Tính ra, số cổ phiếu của tôi trị giá 800 triệu đồng, gấp 8 lần số tiền bỏ ra ban đầu" - anh N.V.T nhẩm tính.
Khi nghe phóng viên nói về việc Công ty Smartland phát hành cổ phiếu BĐS nội bộ cho người góp vốn, anh N.P.Q (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), từng hợp tác kinh doanh với Công ty Thái Tuấn, cho biết đây thực chất là chiêu trò cũ mà Vũ Đức Tĩnh dùng để đánh lừa người có lòng tham. Anh N.P.Q kể năm 2017, Thái Tuấn cũng từng cấp cho anh giấy chứng nhận một lượng cổ phiếu nội bộ và một số BĐS… có giá trị tương đương số tiền anh hợp tác với công ty này. Thế nhưng, sau khi chi nhánh của Thái Tuấn đặt tại tỉnh An Giang biến mất, anh N.P.Q tìm hiểu mới biết số cổ phiếu và các tài sản BĐS này không có giá trị pháp lý. Ngay sau đó, anh đã nộp đơn cho C44B để tố cáo Thái Tuấn lừa đảo.
Chị V.K.C (một nạn nhân khác của Thái Tuấn) phản ánh: "Sau khi chi trả 10% - 15% lợi nhuận cho người hùn vốn, Thái Tuấn liên tục thay đổi phương thức chia lợi nhuận hoặc ngưng chia, yêu cầu người góp vốn quy đổi số tiền hợp tác sang TTC coin (tiền ảo Thái Tuấn) để giao dịch đồng coin thu hồi vốn và lãi".
Đề cập việc Công ty Smarland cũng chia lợi nhuận bằng tiền ảo, cổ phiếu, LS-TS Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết điều 206 Bộ Luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định từ ngày 1-1-2018, người nào có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại coin tương tự) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. "Do đó, doanh nghiệp huy động vốn từ người dân rồi thanh toán lợi nhuận bằng coin là vi phạm pháp luật" - ông Tín nhận định.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán khẳng định các văn bản pháp luật không có khái niệm, quy định về cổ phiếu nội bộ. Do đó, chủ doanh nghiệp huy động vốn, rồi cấp giấy chứng nhận cổ phiếu nội bộ cho người góp vốn là không hợp pháp. Bởi Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán quy định doanh nghiệp huy động vốn trên 10 tỉ đồng, số lượng trên 100 nhà đầu tư phải được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép kêu gọi vốn, phát hành cổ phiếu, trong đó không có cổ phiếu nội bộ.
Ông chủ Smartland từng làm gì?
Theo tài liệu của chúng tôi, ông Vũ Đức Tĩnh, chủ Công ty Smartland còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và phát triển doanh nghiệp quốc tế - BNI, Công ty Đầu tư phát triển doanh nghiệp điện tử Việt Nam (đơn vị phát hành BNC coin), đồng thời ông Tĩnh còn là chủ sở hữu, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Thái Tuấn (đơn vị phát hành TTC coin), Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ địa ốc Greenland và 4 công ty khác.
Gần đây, ngoài việc đe dọa truy sát cán bộ - nhân viên của một đơn vị báo chí, ông Tĩnh còn nhắn tin điện thoại, dọa dẫm một số người phản ánh đến cơ quan chức năng về hành vi được cho là lừa đảo từ các công ty do ông làm chủ.
Bình luận (0)