Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết trong việc đáo hạn tiền gửi tiết kiệm, có khá nhiều người đem những sổ tiết kiệm có cách đây 20-30 năm đến tất toán.
Nhiều trường hợp không đến nhận lại tiền gửi
Tại TP HCM, có 2 kênh để người dân hỏi về thủ tục lãnh tiền gốc và lãi từ sổ tiết kiệm cũ là đường dây nóng và Phòng Kế toán NH Nhà nước Chi nhánh TP. Một cán bộ cơ quan này cho biết phần lớn khách hàng sau khi nghe giải thích đều “thả tay”, không đến làm thủ tục nhận tiền bởi giá trị hiện tại của sổ tiết kiệm không còn bao nhiêu.
Tuy vậy, vẫn có người quyết nhận tiền gốc và lãi cho bằng được. Một khách hàng tên là Thống (ngụ quận 10) liên hệ NH Nhà nước Chi nhánh TP hỏi thủ tục nhận tiền gốc và lãi 2 sổ tiết kiệm mở từ năm 1978, mỗi sổ có số dư... 3 đồng. “Đây là trường hợp khá đặc biệt, đã qua 2 lần đổi tiền. Vì vậy, chúng tôi phải báo cáo lên NH Nhà nước do trường hợp này vượt thẩm quyền. Để lấy lại tiền tiết kiệm đã gửi, bất kể giá trị còn bao nhiêu, khách hàng này đã gửi 6 lá thư cho NH Nhà nước Chi nhánh TP và trung ương để yêu cầu giải quyết” - cán bộ này kể lại.
Cái khó trong trường hợp này là do quá lâu nên NH Nhà nước phải lục lại hồ sơ, xử lý đến đâu thông báo cho khách hàng đến đó. NH Nhà nước Chi nhánh TP đã gửi thông báo cho tất cả NH thương mại trên địa bàn để tra cứu hồ sơ, tìm thông tin về trường hợp này nhưng chưa có kết quả. Ngay NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) - 2 NH phụ trách tiếp nhận hồ sơ khách hàng và chi trả tiền gửi tiết kiệm trong khoảng thời gian dài - cũng không có thông tin. “Cuối cùng, NH Nhà nước đã có văn bản yêu cầu hệ thống VietinBank tại TP HCM chi trả sổ tiết kiệm này cho khách hàng” - cán bộ này cho biết.
Thực tế, khá nhiều khách hàng do quên hoặc bị thất lạc sổ tiết kiệm trong thời gian dài, nay tìm được đi đáo hạn nhưng giá trị đã mai một do lạm phát, trượt giá và qua những lần đổi tiền… Chị H., làm việc tại quận 1, cho biết gia đình chị từng có một cuốn sổ tiết kiệm do Quỹ Tiết kiệm XHCN (NH Nhà nước) phát hành tháng 9-1989 tại Huế. Theo thông tin trên sổ, số dư tại thời điểm gửi vào là 1,5 triệu đồng. Sau 7 lần giao dịch và biến động số dư, đến tháng 2-1990, số dư trên cuốn sổ chỉ còn 4.094 đồng. “Gia đình tôi quên mất cuốn sổ này, mãi sau này mới nhớ nhưng nghĩ chẳng được bao nhiêu nên quyết định để làm kỷ niệm” - chị H. chia sẻ.
Lỗi do đâu?
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP, cho biết đã báo cáo lên NH Nhà nước xin ý kiến xử lý trường hợp một khách hàng gửi tiết kiệm từ năm 1983 với 270 đồng, sau hơn 30 năm, đến nay tiền tiết kiệm đã “bốc hơi” và không còn giá trị. Tuy nhiên, nhà nước không có quy định về việc NH bảo đảm giá trị tiền gửi của người dân bằng thóc hay vàng đối với các hình thức tiết kiệm trong thời kỳ này. “Theo nguyên tắc, khi gửi tiết kiệm, người dân sẽ được hưởng lãi suất, lãi nhập gốc và tự động tái tục nếu đến hạn tất toán. NH Nhà nước có trách nhiệm tra cứu; nếu còn số dư, dứt khoát phải chi trả để bảo đảm quyền lợi của người gửi” - ông Minh nói.
Trong sổ tiết kiệm của gia đình chị H. cũng nêu rõ số tiền gửi mỗi lần ít nhất từ 1 đồng trở lên đến bao nhiêu cũng được. Tiền gửi vào quỹ tiết kiệm được bảo đảm an toàn và bí mật. Cuối mỗi năm, quỹ tiết kiệm tính lãi và nhập vào vốn của người gửi. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau, người gửi tiền cần đem sổ tiết kiệm đến nơi gửi tiền để quỹ ghi nhập tiền lãi vào vốn…
Theo tìm hiểu của phóng viên, NH Nhà nước từng có hướng dẫn thanh toán đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ năm 1983-1985. Đây là thời gian phát hành đồng tiền mới, thu đổi tiền cũ theo Quyết định số 01 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) vào tháng 9-1985. Theo quy định, 10 đồng tiền cũ đổi 1 đồng tiền mới nhưng để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiết kiệm và Quỹ Tiết kiệm XHCN, đến ngày thu đổi nếu còn số dư sẽ được tính riêng. Cụ thể, tiền gửi từ ngày 1-3-1978 trở về trước quy đổi tỉ lệ 1 đồng cũ = 1 đồng mới, tiền gửi từ ngày 2-3-1978 đến 31-5-1981 quy đổi 2 đồng cũ = 1 đồng mới… Chỉ tiền gửi từ ngày 1-8-1985 đến ngày đổi tiền mới tính theo đúng quy định 10 đồng cũ = 1 đồng mới.
Theo nguyên tắc, thẻ (sổ) tiết kiệm phải được thanh toán tại NH mà trước đây khách hàng gửi tiền. Thế nhưng, do sự chuyển đổi từ hệ thống NH một cấp sang 2 cấp (tháng 5-1990) nên hồ sơ của khách hàng được NH Nhà nước bàn giao sang VietinBank và Agribank. Hai NH này có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được thanh toán đầy đủ, chính xác…
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước, cho rằng việc tiền tiết kiệm “bốc hơi” sau nhiều năm và nay không còn giá trị là hệ quả của nền kinh tế, không phải lỗi của người dân và NH. Tuy nhiên, nếu sổ tiết kiệm đến nay còn số dư thì dứt khoát phía NH phải trả cho khách hàng; còn nếu qua thời gian dài không còn giá trị, NH cũng không thể làm trái luật.
Mua công trái: Ủng hộ là chính
Hiện nay, rất nhiều người dân từng mua công trái xây dựng đất nước do Kho bạc Nhà nước phát hành cũng chưa nghĩ đến việc đi lĩnh tiền gốc và lãi.
Anh Dương Học Đông - ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - cho biết anh vừa đổi tờ Công trái Xây dựng Tổ quốc mệnh giá 100.000 đồng do Kho bạc Nhà nước Kiên Giang phát hành ngày 12-5-2003, đáo hạn 12-5-2008, lãi suất áp dụng thời điểm đó là 8%/năm. “Lúc ấy, không nghĩ mua công trái để lấy lãi, ủng hộ là chính. Gần đây, vô tình thấy tờ công trái kẹp trong cuốn sổ lưu tài liệu của gia đình, tôi mới đi đổi thử và được 168.000 đồng cả gốc lẫn lãi” - anh Đông cho biết. Anh so sánh: Năm 2003, giá xăng A92 khoảng 5.600 đồng/lít, với 100.000 đồng sẽ mua được 17,8 lít. Đến nay, anh lãi được 68.000 đồng nhưng cả gốc và lãi chỉ mua được 7,8 lít xăng A92.
Bình luận (0)