Hôm nay, 14-2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu" nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại trên thị trường lâu nay.
Nhà bán lẻ đòi chiết khấu
Một trong những vấn đề nóng thời gian qua là chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu 0 đồng, thậm chí chiết khấu âm, khiến DN rất khó khăn và đối mặt nguy cơ phá sản.
Đại diện cho hàng trăm DN sẽ nêu ý kiến tại hội thảo này, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho rằng cần thiết phải có quy định mức chiết khấu tối thiểu. Theo ông, cần xem chiết khấu như một khoản chi phí trong kinh doanh xăng dầu cũng như công cụ giúp DN bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.
Về phía VCCI, đơn vị này cho rằng với mức chiết khấu thấp, các cửa hàng bán lẻ không muốn tiếp tục hoạt động song vẫn phải duy trì bởi sợ bị cơ quan chức năng xử phạt. Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí, khoản âm này chủ yếu đổ vào DN bán lẻ do buộc phải bán hàng. Trong khi đó, DN bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng.
VCCI cho rằng cần xác định 2 phương án điều hành cụ thể để xây dựng quy định về chiết khấu phù hợp. Theo đó, nếu nhà nước không can thiệp và để cung cầu thị trường quyết định giá thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ, cần quy định mức chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
Để điều hành kinh doanh xăng dầu hiệu quả hơn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát, giảm số lượng khâu trung gian phân phối. Đồng thời, nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu cho đại lý bán lẻ xăng dầu để bảo đảm hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì sợ lỗ.
Ở góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ủng hộ quan điểm quy định mức chiết khấu tối thiếu để bảo đảm hoạt động cho DN bán lẻ và tạo ra sự minh bạch, thuận lợi trong quản lý, qua đó bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Cho phép nhập hàng từ nhiều nguồn
Đó là nội dung mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, bộ này vẫn lo ngại quy định có thể gây khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu. Bên cạnh đó, khi nguồn cung gặp khó sẽ không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cấp cho DN bán lẻ.
Theo DN bán lẻ xăng dầu, quy định chỉ được lấy hàng từ một nhà cung cấp khiến họ gặp bất lợi, có thể bị chèn ép, nhất là khi thị trường có biến động, nguồn cung gặp trục trặc. Theo ông Giang Chấn Tây, việc cho phép DN bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn sẽ tăng tính cạnh tranh về chiết khấu, giúp DN chủ động và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng.
Ông Lê Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Dầu khí Hải Long, cho rằng việc DN bán lẻ được mua hàng từ nhiều đầu mối sẽ bảo đảm tính linh hoạt cho hệ thống thương nhân phân phối, tăng khả năng cạnh tranh trong cung ứng cũng như tạo điều kiện phát triển, ổn định hoạt động kinh doanh tại vùng sâu, vùng xa.
"Nếu có 1, 2 hay thậm chí 3 đầu mối có hợp đồng mua bán xăng dầu với thương nhân phân phối đều bị xử phạt, đình chỉ giấy phép khi xảy ra sai phạm như thời gian vừa qua thì thương nhân biết nhập hàng từ đâu? Chưa kể, các đầu mối có thể liên kết ép giá, khống chế chiết khấu cho thương nhân phân phối. Chúng tôi kiến nghị cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và các thương nhân phân phối được mua bán hàng của nhau" - ông Toàn nêu ý kiến.
Theo VCCI, việc Bộ Công Thương lo ngại về kiểm soát chất lượng xăng dầu nếu cho phép DN bán lẻ nhập hàng từ nhiều nguồn là không thỏa đáng. Bởi vì, khi giao xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ, các bên luôn lấy và lưu mẫu hàng hóa. Nếu chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng có vấn đề thì có thể dễ dàng kiểm tra lại các mẫu xăng, truy nguồn để xác định trách nhiệm của các bên. Hơn nữa, nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn là không thuyết phục.
VCCI cũng cho rằng việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn. Để xử lý tình trạng găm hàng, cần tăng tính linh hoạt của thị trường, tạo thuận lợi cho thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối. "Chính sách quản lý cũng cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Nếu nguồn cung thế giới thiếu hoặc hàng bị định giá quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt" - VCCI nêu rõ quan điểm.
Nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý cân nhắc kỹ đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu bởi có thể hình thành những nhóm doanh nghiệp thao túng giá gây ảnh hưởng cho người tiêu dùngẢnh: MINH CHIẾN
Khó để doanh nghiệp tự quyết giá
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 (sửa đổi Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu), Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án điều hành giá xăng dầu. Phương án thứ nhất: Vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của DN. Phương án thứ hai: Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, DN sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế. Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.
VCCI cho rằng nếu Bộ Công Thương chọn phương án nhà nước tiếp tục định giá và sửa công thức giá cơ sở theo hướng tính đúng, đủ thì vẫn khó bảo đảm tính hợp lý, khả thi và có thể lặp lại bất cập trên thị trường. VCCI kiến nghị lựa chọn phương án cho DN tự quyết định giá. Khi đó, giá bán sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. "Giá xăng có thể tham chiếu theo giá trên sàn thế giới; còn các chi phí như vận chuyển, bảo hiểm, bán hàng, lãi vay... của mỗi lô hàng, kho xăng và DN là khác nhau. Nhà nước có thể yêu cầu DN báo cáo nhưng lại luôn phải đối mặt với nguy cơ họ kê khai cao lên để có được giá bán cao hơn. Thậm chí, kiểm toán cũng khó phát hiện trường hợp DN "gửi giá", thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên" - VCCI phân tích lý do lựa chọn phương án cho DN tự quyết giá.
Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia, nhiều ý kiến đồng tình với việc giữ nguyên quy định nhà nước định giá xăng dầu như hiện nay. Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), rất khó để cho DN tự quyết định giá trong bối cảnh thị trường vẫn còn DN giữ vị thế thống lĩnh. Với vị thế đó, DN có thể nâng giá hoặc "bắt tay" nâng giá, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Hơn nữa, thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hình thành cơ chế cạnh tranh hoàn hảo trong khi việc để DN tự định giá chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh tốt nếu thị trường có nguồn cung dồi dào, người tiêu dùng có cơ sở và khả năng để lựa chọn.
Giá xăng tăng, giá dầu giảm mạnh
Theo quyết định của liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ 30 phút ngày 13-2, giá xăng E5 RON92 tăng 540 đồng/lít, lên 22.869 đồng/lít; xăng RON95 tăng 620 đồng/lít, lên 23.767 đồng/lít.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu đồng loạt giảm mạnh: dầu diesel giảm 962 đồng/lít, còn 21.562 đồng/lít; dầu hỏa giảm 982 đồng/lít, còn 21.594 đồng/lít; dầu ma-dút giảm 298 đồng/kg, còn 13.636 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng; đồng thời trích lập quỹ 600 đồng/lít đối với dầu diesel, 200 đồng/lít với dầu hỏa và 200 đồng/kg với dầu ma-dút.
Lo doanh nghiệp lạm dụng "quyền đặc biệt"
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng nếu DN tự quyết định giá thì sẽ tận dụng được "quyền đặc biệt" là nhập khẩu xăng dầu, từ đó tạo thành các nhóm DN có khả năng kiểm soát về giá, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. "Trong trường hợp có các nhóm kiểm soát về giá, nếu ở các địa bàn lớn, sôi động, ít nhiều có sự cạnh tranh thì mức độ tác động có thể thấp hơn nhưng ở những địa bàn xa thì không ổn. Khi đó, khả năng quản lý của nhà nước sẽ bị hạn chế, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người tiêu dùng" - PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích.
Bình luận (0)