xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sốt ruột chờ giảm giá hàng hóa, dịch vụ

NGUYỄN HẢI - NGỌC ÁNH - MINH CHIẾN - THANH NHÂN

Một số doanh nghiệp xác nhận có thể giảm giá cước vận tải, trong khi giá nhiều mặt hàng còn neo cao dù giá xăng dầu đã giảm 3 lần liên tiếp

Tại kỳ điều hành giá chiều 21-7, theo xu hướng giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 2.715 đồng/lít, xuống còn 25.073 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 3.065 đồng/lít, xuống mức 26.070 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.735 đồng/lít, về mức 24.858 đồng/lít; dầu ma-dút giảm 1.164 đồng/kg, xuống 16.548 đồng/kg...

Nếu không trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu ma-dút 950 đồng/kg... thì mức giảm giá các mặt hàng này còn lớn hơn.

Doanh nghiệp vận tải giảm áp lực

Ông Trương Chí Thăm, Giám đốc Công ty CP Vận tải Vĩnh Thành, cho rằng giá xăng dầu giảm mạnh giúp doanh nghiệp (DN) vận tải giảm áp lực rất nhiều. Bởi lẽ, trong thời gian giá xăng dầu tăng cao, DN vận tải không thể tăng giá cước do lượng khách giảm mạnh. Gần đây, giá xăng dầu giảm chỉ phần nào giúp DN đỡ lỗ.

Theo ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc HTX Xe du lịch và Vận tải số 4 (TP HCM), giá xăng dầu tăng hay giảm trong bối cảnh hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến giá cước vận tải. Bởi lẽ, DN đã phải gồng lỗ trong thời gian dài để tránh mất khách hàng. Nhiều DN khác cũng thừa nhận 3 kỳ giảm giá xăng dầu liên tiếp được coi như ôxy giúp DN dễ thở hơn chứ chưa đủ điều kiện để DN có thể giảm giá cước.

Ông Võ Minh Tâm, chủ DN Vận tải Dịch vụ hàng hóa Toàn Tâm, cho hay để duy trì hoạt động của một DN nhỏ trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kéo dài, ông đã rất vất vả. Ông giải thích: "Vận tải hàng hóa hiện cạnh tranh rất khốc liệt với nguồn xe tải dồi dào nên DN không dễ tăng giá cước theo giá xăng dầu. Chưa kể, nhiều khách hàng thường xuyên ký hợp đồng cả năm nên khó điều chỉnh giá cước giữa chừng. Tuy vậy, do đã tăng nhẹ giá cước theo giá nhiên liệu với khách hàng lẻ nên dịp giảm giá xăng dầu này, chúng tôi sẽ tính toán giảm cước, nếu không thì họ sẽ tìm đối tác khác có giá tốt hơn".

Sốt ruột chờ giảm giá hàng hóa, dịch vụ - Ảnh 1.

Mặt bằng giá cả trên thị trường vẫn cao dù xăng dầu đã có 3 đợt giảm giá liên tiếp. Ảnh: TẤN THẠNH

Về phía taxi truyền thống, lãnh đạo Vinasun cho biết theo quy định, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì DN taxi được phép tăng giá cước 3% và ngược lại. Với các đợt giảm giá xăng dầu vừa qua, cước taxi có thể giảm khoảng 1.000-1.500 đồng/km.

"Tuy nhiên, DN phải có văn bản gửi cơ quan quản lý về việc điều chỉnh giá cước. Sau 5 ngày, DN sẽ được cơ quan chức năng trả lời có được phép điều chỉnh giá cước hay không. Sau đó, DN cần thêm 5 ngày nữa để lập trình lại giá cước, mang xe đến cơ quan chức năng để kiểm định lại đồng hồ tính tiền. Như vậy, phải mất khoảng 10 ngày mới hoàn thành thủ tục để thực hiện giá cước mới" - lãnh đạo Vinasun phân tích.

Cần độ trễ ít nhất 10-20 ngày

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết đêm 20 rạng sáng 21-7, 2.511 tấn nông sản đã về chợ này, tương đương lượng trung bình các tháng gần đây. Trong 53 mặt hàng được ghi nhận tại chợ, 45 mặt hàng giữ nguyên giá sỉ so với 1 ngày trước, 4 mặt hàng giảm giá, song cũng có 4 mặt hàng tăng giá là khổ qua, xà lách búp Đà Lạt, dưa hấu dài và dưa hấu sọc với mức tăng 1.000-2.000 đồng/kg. Nguyên nhân một số mặt hàng tăng giá được cho là bởi về chợ ít.

"Giá nông sản chịu tác động lớn từ thời tiết do nông dân chủ yếu trồng ngoài đất, chỉ cần mưa lớn là sẽ khó thu hoạch, rau dập nát, năng suất thấp. Ngoài ra, việc vận chuyển từ vườn ra nhà xe khó khăn thì giá cũng sẽ tăng" - ông Phương lý giải.

Về việc giá xăng dầu giảm nhưng cước vận chuyển nông sản chưa giảm tương ứng, ông Phương cho hay đã liên lạc với một số nhà xe chuyên chở hàng về chợ đầu mối thì được biết giá cước vẫn như cũ. Nguyên nhân là bởi họ đã "chịu đựng" chi phí xăng dầu cao trong thời gian dài trước khi đàm phán tăng cước với chủ hàng, mức tăng cũng chưa tương đương với giá xăng dầu.

Với dịch vụ ăn uống (F&B), theo ghi nhận của phóng viên, khi giá xăng dầu tăng cao, hầu hết cửa hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới. Cuối tháng 6 vừa qua, một "ông lớn" trong ngành tăng giá từ 4.000-10.000 đồng/món, càng gây nên sự lo lắng trong dư luận về làn sóng tăng giá mới. Đáng nói là sau 3 đợt giảm giá xăng dầu, hiếm thấy cửa hàng nào giảm giá hàng hóa trở lại.

Một số DN ngành thực phẩm cũng cho rằng giá xăng dầu giảm lần này giúp DN dễ thở hơn nhưng chưa đủ cơ sở để giảm giá sản phẩm. "Tình hình hết sức khó khăn. Hai tháng trở lại đây, công ty phải từ chối một số đơn hàng xuất khẩu vì đối tác không đồng ý tăng giá. Trong khi đó, giá nguyên liệu hải sản tăng cao cùng với tình trạng khan hiếm. Tương tự, giá bao bì, cước vận chuyển quốc tế, chi phí sản xuất… cũng tăng. Tại thị trường trong nước, tiêu thụ cũng rất chậm nên DN phải thường xuyên phối hợp với nhà phân phối chạy chương trình khuyến mãi và gần như không có lợi nhuận" - tổng giám đốc một DN thủy sản băn khoăn.

Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, dù giá xăng dầu giảm thêm nhưng vẫn khó kéo giá trứng gia cầm xuống thấp bởi giá thành sản xuất trứng đã tăng cao kỷ lục. Trong cơ cấu giá thành quả trứng, chi phí logistics chiếm dưới 20%, trong đó giá xăng dầu là một phần nhỏ của chi phí này. Còn giá thức ăn chăn nuôi, giá lương thực trên thế giới tăng do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu trực tiếp tác động đến giá trứng thì chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Khoảng 10 ngày nay, giá trứng gia cầm trên thị trường tăng trở lại, khả năng sẽ tăng thêm do các công ty thức ăn chăn nuôi vừa thông báo tiếp tục điều chỉnh giá" - ông Thiện thông tin.

Tương tự, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cũng cho biết khó có thể giảm giá vì chi phí đầu vào đã tăng đến 30%. Nhiều DN kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để tạo cơ sở giảm và ổn định giá trứng.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động tức thì, dễ thấy đến túi tiền của người dân. Thế nhưng thông thường, cần có độ trễ ít nhất 10-20 ngày để hình thành sự điều chỉnh chung trên thị trường giá cả. Dẫu vậy, trong điều kiện hiện tại, không thể đặt nhiều kỳ vọng vào việc giá hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là thực phẩm, sẽ giảm mạnh theo giá xăng dầu. Bởi lẽ, chi phí của DN trong nửa đầu năm nay chưa được "tính đúng, tính đủ" vào giá bán.

Tăng giá dễ mất khách hàng

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc điều hành Công ty FnB Director - nhà đào tạo về chiến lược kinh doanh F&B, cho biết nhiều chuỗi F&B đã nhờ ông tư vấn về vấn đề tăng giá theo thị trường nhưng ông thường khuyên họ thận trọng.

"Trừ khi cửa hàng có những yếu tố độc quyền thì có thể tăng giá, còn lại nếu tăng giá sẽ rất dễ mất khách vì độ trung thành của khách hàng không cao. Khi xung quanh tăng giá, cửa hàng nào vẫn giữ giá sẽ có lợi thế. Một số món nên giảm giá để hút khách, nhất là những món có giá vốn thấp" - ông Thanh góp ý.

Chuyên gia kinh tế - TS LÊ ĐĂNG DOANH:

Giảm giá xăng dầu như "muối bỏ bể"

Chi phí xăng dầu là khoản rất quan trọng của DN và đóng góp nhiều chỉ số giá cả. Theo thống kê, chi phí xăng dầu chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất và 1,5% chi phí của gia đình. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao đã đẩy giá vận tải tăng nóng và tác động đến giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Việc cắt giảm một số loại phí, thuế để kéo giá xăng dầu hạ nhiệt sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế và tác động giá các mặt hàng. Trong lần điều chỉnh trước, giá xăng giảm khoảng 3.000 đồng/lít là đáng ghi nhận nhưng vẫn như "muối bỏ bể" bởi giá cả hàng hóa chưa hoặc không giảm theo. Nay, giá xăng giảm về mức 25.000 - 27.000 đồng/lít là cơ sở để hạ nhiệt giá cả thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp điều chỉnh chi phí xăng dầu, cần thúc đẩy việc cân đối cung - cầu để giảm giá trên thị trường, tạo tác động tích cực đến sản xuất - kinh doanh, mặt bằng giá cả và lạm phát.

Về giải pháp cân đối cung cầu, rất cần bàn tay của nhà nước để hỗ trợ và khai thông thị trường. Các bộ, ngành, địa phương cần ngồi lại với DN để xem xét chi phí nào không cần thiết, có thể cắt giảm được vào lúc này và tích cực gỡ vướng để giúp DN xoay trở, biến thách thức thành cơ hội. Song song đó, cần tạo sự thông thoáng cho luồng lưu thông hàng hóa, trên cơ sở đó thúc đẩy cung - cầu thị trường.

Hai năm nay, nguồn thu của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một bộ phận người dân chi tiêu tiết kiệm hơn. Vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ tiền cho người thuê nhà, người lao động có hoàn cảnh khó khăn...

T.Nhân ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo