Hành khách làm thủ tục tại sân bay. Ảnh minh họa
Hành vi vi phạm chủ yếu là khách mua lại vé khuyến mại của người khác rồi thay tên của mình vào để lên máy bay. Đa số các trường hợp là khách có tên, họ trùng hoặc tương đối giống với tên, họ của hành khách chính thức, chỉ cần chỉnh sửa trên bản in bằng giấy A4. Hành vi gian lận này khá dễ dàng vì hệ thống bán của tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới đều dùng mẫu chữ không có dấu, dễ đánh đồng các tên, họ có ký tự giống nhau.
Trường hợp vé gốc có tên quá khác biệt, hành khách còn kỳ công làm giấy tờ giả mạo bằng cách xin xác nhận của địa phương theo tên trong vé máy bay để trở thành chủ nhân chiếc vé. Trường hợp này rất dễ phát hiện vì hành khách lên máy bay phải xuất trình một trong các loại giấy tờ tuỳ thân là chứng minh nhân dân, Thẻ đảng viên, giấy phép lái xe, thẻ nhà báo..., các trường hợp dùng giấy tờ khác thay thế thường được bộ phận an ninh kiểm tra kỹ hơn.
Đặc biệt, trong tháng 7, đã phát hiện tới 9 vụ gian lận do đây là thời điểm các hãng hàng không có nhiều chương trình siêu khuyến mại. "Thợ săn vé rẻ" tranh thủ lợi dụng cơ hội mua đi bán lại kiếm lời vì với các chương trình khuyến mại giá vé nội địa chỉ từ 3.000 đồng/vé/lượt hoặc 199.000 đồng/vé/lượt là có thể bán lại được vài trăm ngàn đồng. Mặc dù mua vé trên mạng phải điền các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, địa chỉ... Nhưng trên vé không thể hiện các thông tin này nên hành khách dễ dàng gian lận.
Tuy nhiên, hành khách ham rẻ, mua lại vé, gian lận tên tuổi để bay có nguy cơ sẽ bị mất trắng số tiền đã bỏ ra. Khi qua cửa an ninh, nếu bị phát hiện gian lận, hành khách sẽ bị thu vé, lập biên bản, không cho lên máy bay.
Đây là hành vi vi phạm mới xuất hiện và đang có dấu hiệu gia tăng, Thanh tra hàng không đang truy lại quy trình bán vé để xác định nguyên nhân, tập hợp hồ sơ, tìm phương án xử lý. Theo lực lượng thanh tra, không loại trừ nhiều trường hợp hành khách gian lận có sự tiếp tay của các đại lý vé máy bay chui.
Bình luận (0)