Ông Chiến cho biết giá sữa nguyên liệu thế giới đang rơi vào khủng hoảng, tăng liên tục. Như sữa bột gầy, giá từ 3.700 USD/tấn (tháng 4-2013) đã tăng lên 4.500 USD/tấn (tháng 12-2013) và nhập khẩu thời điểm 5-2-2014 lên đến 5.700 USD/tấn. Hiện chỉ có 3-4 nhà cung cấp nguyên liệu sữa cho toàn thế giới và do giá tăng liên tục nên các nhà cung cấp chỉ bán theo hợp đồng ngắn hạn (1-3 tháng), không chốt giá cho cả năm và cung cấp theo tiến độ như trước đây. Vì vậy, các công ty sữa trong nước (sản xuất và nhập khẩu) đều điều chỉnh tăng giá như: Abbott, FrieslandCampina, Nestle, Mead Johnson... Một số thương hiệu sữa có thị phần nhỏ hơn như Dumex, Meiji cũng sắp tăng giá.
Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng theo quy luật, giá sữa thế giới sẽ giảm và cơ quan quản lý luôn theo dõi sát để khi giá xuống sẽ yêu cầu doanh nghiệp giảm tương ứng. “Các doanh nghiệp đã kê khai đề nghị tăng giá sữa từ trước Tết với mức tăng cao so với thực tế nhưng Sở Tài chính đã “thương lượng” với doanh nghiệp dời thời điểm tăng giá ra sau Tết cũng như giảm tỉ lệ tăng giá từ 10%-14% còn 5%-7% để chia sẻ với người tiêu dùng. Đối với các mặt hàng sữa trong chương trình bình ổn, tại TP HCM, giá vẫn giữ đến ngày 31-3-2014” - ông Chiến cho biết.
Về thị trường Tết Giáp Ngọ, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho rằng sức mua năm nay không giảm mà do lượng hàng hóa về TP quá nhiều. Như trái cây tăng gấp 3 lần, thịt heo gấp 2 lần, rau củ quả tăng 125%, trứng tăng 25%, đặc biệt hoa tăng đến 19 lần so với cùng kỳ. Do đó, một số loài hoa mới như cát tường, lan hồ điệp bán chạy trong khi hoa truyền thống lại ế. Sức mua ở hệ thống siêu thị tăng gấp 3 lần ngày thường, gấp 10% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có sức mua tại chợ truyền thống giảm 10% do khách đổ vào mua sắm ở kênh hiện đại.
Bình luận (0)