Trước sức ép đến hạn của hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm nay và hàng trăm ngàn tỉ đồng trong 2 năm tới, các chuyên gia cho rằng cần sớm triển khai nhiều giải pháp để xử lý tránh hệ lụy cho thị trường tài chính và nền kinh tế.
Chuyển nợ thành cổ phiếu
Về giải pháp để có nguồn vốn cho nhà phát hành đáo hạn TPDN trong bối cảnh hiện tại, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn quản lý tài sản FIDT, nói kinh nghiệm từ các nước cho thấy để có nguồn tiền trả nợ trái phiếu đến hạn, các nhà phát hành sẽ phải bán các tài sản có tính thanh khoản để thu tiền về như tài sản đầu tư, tiền gửi tiết kiệm... Một cách khác là có thể chuyển nợ thành vốn bằng cách tổ chức đại hội cổ đông để thông qua việc phát hành thêm trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư. Như vậy, trái chủ sẽ trở thành cổ đông của DN phát hành.
"Một cách giải quyết khác đối với lượng TPDN đến hạn đang được Trung Quốc áp dụng là chuyển nợ thành sản phẩm, nghĩa là các trái chủ sẽ được mua sản phẩm như bất động sản của DN với giá thấp hơn, giảm giá so với giá thị trường. Thực tế, thị trường TPDN đã phát triển nóng thời gian qua và đang ở giai đoạn khó khăn nhưng sẽ không tác động quá tiêu cực tới thị trường bởi tỉ lệ TPDN so với dư nợ tín dụng hoặc so với GDP của nền kinh tế vẫn còn rất thấp" - ông Huỳnh Minh Tuấn nói.
Báo cáo về thị trường TPDN Việt Nam năm 2021 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, tổng khối lượng phát hành trong nước đạt 658.000 tỉ đồng, tăng 42% so với năm trước và chiếm khoảng 14,75% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia 56% GDP, Singapore 38% GDP, Thái Lan 25% GDP... Dư nợ TPDN chiếm khoảng 12% tổng dư nợ của cả nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, so sánh với Trung Quốc, dư nợ trái phiếu chiếm đến 44% GDP nhưng tỉ lệ vỡ nợ chỉ chiếm 1,35%, cho thấy rủi ro vỡ nợ tại thị trường Việt Nam có tồn tại nhưng rất thấp. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn xử lý được sau thời gian bất ổn 2 năm qua nhờ sự điều tiết của cơ quan quản lý với nhiều chính sách khác nhau.
Ngoài ra, hoạt động mua lại 9 tháng năm nay của khối DN phi ngân hàng (NH) cũng tăng 2,34 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 75.500 tỉ đồng, góp phần làm giảm áp lực nợ TPDN đến hạn. "Các tổ chức tín dụng hiện nay đang nắm giữ danh mục TPDN phi NH với quy mô vào khoảng 284.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30-6.
Đây không phải là vấn đề lớn đối với chất lượng tín dụng NH bởi quy mô còn nhỏ và chất lượng trái phiếu có tính phân hóa và cũng được các NH đánh giá kỹ lưỡng. Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số NH có phân bổ tín dụng TPDN lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ" - các chuyên gia của FiinGroup nói.
Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy sự kiện điều tra lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gần đây do những sai phạm trong phát hành TPDN thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường vốn. Đồng thời, Nghị định 65 tuy mang định hướng thắt chặt hơn so với nghị định cũ nhưng cũng đã nới lỏng hơn ở một số quy định của những dự thảo được lấy ý kiến trước đó. Dù vậy, thị trường cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp.
"Nghị định 65 cho phép các DN được phát hành TPDN với mục đích cơ cấu nợ, là một trong những điểm trọng yếu theo hướng nới lỏng hơn, giúp các DN với mục đích tái cơ cấu nợ (theo đúng quy định) vẫn có thể tiếp cận được với kênh phát hành TPDN. Có điều, số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ điều kiện sẽ sụt giảm trong ngắn hạn" - các chuyên gia của VNDirect nói.
Các chuyên gia nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhưng sẽ không tác động quá tiêu cựcẢnh: Tấn Thạnh
Cho cá nhân đầu tư trái phiếu?
Về giải pháp dài hạn, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN thời gian vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các điểm mới trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ (Nghị định 65), cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện để hỗ trợ các đơn vị liên quan, DN và nhà đầu tư yên tâm tham gia.
"Cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích DN phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của DN (đặc biệt những DN bất động sản cần vốn để đảo nợ) khi phát hành TPDN riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ hơn và dòng vốn tín dụng không dồi dào" - TS Cấn Văn Lực nói.
Chuyên gia này cũng đề nghị bổ sung các chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm (không chỉ cho phát hành TPDN). Điều này đi cùng với những quy định nhằm bảo đảm các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, xem xét quy định những trường hợp yêu cầu phải thuê định hạng tín nhiệm nước ngoài...
Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến việc cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới, minh bạch thông tin cung cấp đến các nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân… Những yếu tố này giúp nhà đầu tư nhận diện các rủi ro của thị trường, có thêm các lựa chọn đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro, từ đó tránh những hệ lụy không đáng có.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua TPDN riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định. Chính sách này sẽ thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội và giúp cho người dân có thêm kênh đầu tư TPDN riêng lẻ, nhất là Nghị định 65 đã có các quy định rất chặt chẽ đối với DN phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Đồng thời, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các DN có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp".
"Trước mắt, để bảo đảm cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" có thể tham gia đầu tư TPDN, hiệp hội đề nghị quy định cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức bảo đảm năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định.
Như vậy thì mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư trái phiếu, cũng như bảo đảm rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân (không đủ điều kiện) khi ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực theo quy định" - ông Châu kiến nghị.
Bình luận (0)