xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Sức khỏe" nền kinh tế tốt lên

Thùy Dương - Thái Phương

Tuy có cái nhìn lạc quan nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng trong dài hạn, nền kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới

Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tổ chức cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm 2019 ước tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất cùng giai đoạn 9 năm gần đây.

Tăng đột biến so với các năm

Trong đó, tăng trưởng GDP ba quý tăng lần lượt là 6,82%; 6,73% và 7,31%. Động lực tăng trưởng chính trong 9 tháng đầu năm là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 11,37%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 8,19% và vận tải, kho bãi tăng 7,82%. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5% - mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn trong 3 năm gần đây.

Sức khỏe nền kinh tế tốt lên - Ảnh 1.

Ngành bán buôn, bán lẻ tăng trưởng khá tốt trong 9 tháng đầu năm Ảnh: THANH NHÂN

Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới. Theo dự báo của các chuyên gia đến từ Ngân hàng HSBC, lạm phát ở Việt Nam sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 2,7% trong năm nay, tăng trưởng GDP cả năm vào khoảng 6,7%. Còn ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ dự kiến đạt 6,9% và được kỳ vọng duy trì đến năm 2021.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), đánh giá mức tăng trưởng 6,98% trong 9 tháng đầu năm tuy không đi ngoài xu hướng tăng trưởng từng quý trong năm nhưng lại là mức tăng khá đột biến nếu so với cùng kỳ các năm. Điều này cho thấy nền kinh tế đang có những dấu hiệu lạc quan và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% nằm trong tầm tay. "Xu hướng lạc quan này vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, ít nhất là tới hết năm 2019. Kinh tế vĩ mô đang ổn định thực sự, có sức hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, cũng nên nhìn nhận quý III là quý chi tiêu cho du lịch, nghỉ dưỡng, năm học mới… rất cao nên góp phần kéo mức chi tiêu chung 9 tháng lên cao" - ông Độ phân tích.

Tuy vậy, TS Nguyễn Đức Độ vẫn cho rằng nhìn xa hơn, sự lạc quan có thể khó kéo dài tới năm 2020 bởi với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kinh tế thế giới. Trong khi đó, năm 2020 có nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy suy thoái rất cao. "Việt Nam tất yếu bị ảnh hưởng, tăng trưởng GDP dự báo không còn cao nữa, tất nhiên không đến nỗi đen tối như giai đoạn suy thoái 2008-2009" - ông Độ cảnh báo.

Tận dụng tốt vốn FDI

Ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia dự báo tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã góp phần khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là vốn Trung Quốc. Thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đổ vào Việt Nam trong 9 tháng qua đạt 15,7 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân lại tiếp tục tăng khá khi đạt 14,2 tỉ USD. Đáng lưu ý, trong 9 tháng qua có tới 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,4 tỉ USD, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn ngoại vào Việt Nam qua kênh góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam lên tới 26,1 tỉ USD.

Dù vậy, theo các chuyên gia, vấn đề lúc này không hẳn là thu hút được nhiều hay ít vốn FDI, quan trọng là nền kinh tế tận dụng, hấp thu được bao nhiêu và có lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, các DN khác trong chuỗi cung ứng không?

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), nhận xét để thu hút và tận dụng được nhiều hơn dòng vốn FDI, Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, logistics, nhất là tình trạng kẹt xe. Đồng thời, các vấn đề về an ninh mạng, tính minh bạch trong lĩnh vực thuế, hải quan, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ… cũng cần được quan tâm. "Dù nhà đầu tư có nhiều "hào hứng" nhưng những hạn chế của cơ sở hạ tầng ở Việt Nam ảnh hưởng lớn đến quyết định chuyển dịch đầu tư" - bà Amanda Rasmussen nói.

Dẫn chứng thêm, bà Amanda Rasmussen nêu chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm tới 21% GDP. Đây là con số rất cao so với Mỹ, Nhật hay một số nước khu vực ASEAN… và ảnh hưởng tới chi phí của DN. Do đó, cơ quan quản lý cần chú trọng cải thiện những điểm nghẽn để nhiều nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có DN Mỹ sẵn sàng đến Việt Nam. 

Doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục

9 tháng đầu năm, cả nước có gần 102.300 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290.800 tỉ đồng, tăng 5,9% về số DN và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,6 tỉ đồng, tăng 26,6%. Nhìn tổng thể, số DN thành lập mới, số vốn đăng ký... cao nhất trong những năm trở lại đây, cho thấy "sức khỏe" của các DN mới gia nhập thị trường đã tốt hơn rất nhiều. Nếu cộng cả 1.730.400 tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng khoảng trên 3 triệu tỉ đồng. Những tín hiệu lạc quan còn được khẳng định khi nền kinh tế đón 27.600 DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động lên hơn 129.800.

Cũng trong 9 tháng, có 21.200 DN tạm ngừng kinh doanh, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước; 28.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. 12.100 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,7%.

P.An

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo