Theo quy hoạch giết mổ của TP HCM, cuối năm 2017 sẽ đóng cửa tất cả cơ sở giết mổ thủ công để chuyển hoạt động này sang các nhà máy giết mổ công nghiệp. Thế nhưng mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM lại chủ trì lấy ý kiến sở - ngành liên quan để xem xét cho một dây chuyền giết mổ thủ công, công suất 2.000 con/ngày của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn hoạt động.
Không công bằng trong cạnh tranh
Công ty này cũng là chủ đầu tư một nhà máy giết mổ công nghiệp trong quy hoạch và điều này gây bất bình cho những chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp khác.
Ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp - chủ đầu tư Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), cho rằng thời điểm này, các cơ quan chức năng nên tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho các nhà máy giết mổ công nghiệp sớm đi vào hoạt động thay vì cấp phép cho cơ sở giết mổ thủ công mới. Bởi điều này đi ngược lại chương trình hiện đại hóa các lò mổ thủ công bằng các nhà máy giết mổ hiện đại của TP HCM, gây bất bình đẳng cho môi trường đầu tư, tạo tiền lệ cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt trước đây, thành phố đã đóng cửa hàng loạt lò giết mổ thủ công, nay lại cho khôi phục lò giết mổ thủ công khác. Điều này làm đình trệ việc đầu tư các nhà máy công nghiệp vì không cạnh tranh được với các lò giết mổ thủ công.
Người tiêu dùng khó có thịt heo sạch nếu duy trì cơ sở giết mổ thủ công
Hiện HTX Tân Hiệp đã ký hợp đồng mua dây chuyền giết mổ hiện đại, thiết bị xử lý nước thải và hệ thống cấp đông, kho lạnh với sức chứa 8.000 tấn. Tất cả chỉ cần tháo gỡ về thủ tục pháp lý để nhanh chóng hoàn tất nhà máy.
Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An - chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi), 1 trong 6 dự án nhà máy giết mổ công nghiệp - kiến nghị nếu nhà nước giải quyết cho một dự án được phép hoạt động giết mổ thủ công tạm thì các chủ đầu tư còn lại cũng phải được như vậy. Điều này có thể khiến quy hoạch giết mổ công nghiệp "vỡ trận" vì ai cũng muốn tổ chức giết mổ thủ công do vốn ít, nhanh thu hồi vốn, trong khi giết mổ công nghiệp ít nhất phải đầu tư 250 tỉ đồng, 5-10 năm mới thu hồi vốn. Tuy nhiên, nếu muốn cung cấp thịt sạch cho người tiêu dùng thì nhất thiết phải tổ chức giết mổ công nghiệp. Chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp cần nhà nước cam kết chấm dứt giết mổ thủ công để triển khai xây dựng nhà máy hiện đại.
Khó có thịt sạch
Theo HTX Tân Hiệp, nếu không hỗ trợ cho nhà máy giết mổ công nghiệp ra đời, người tiêu dùng sẽ tiếp tục tiêu thụ thịt heo không bảo đảm vệ sinh. "Ở đây, chúng tôi không nói đến chất cấm vì giết mổ thủ công rất dễ nhiễm vi sinh. Đặc biệt là Salmonella và Ecoli có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, 2 loại vi khuẩn này tồn tại trong phân heo, chuồng trại, nước thải… sẽ lây nhiễm vào thịt qua các công đoạn giết mổ. Trong điều kiện giết mổ thủ công và lưu thông thịt dưới nhiệt độ bình thường sẽ khiến vi sinh có hại phát triển rất nhanh" - ông Quang nói.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, thừa nhận công ty có thể dừng dự án nhà máy giết mổ công nghiệp 3.000 con/ngày tại huyện Củ Chi, nếu có thêm cơ sở giết mổ thủ công mới ra đời. "Chúng tôi đã quá mệt mỏi, không biết đâu mà lần với thủ tục rối rắm và quản lý thiếu nhất quán. Không hiểu vì sao chỉ riêng thủ tục ký quỹ, đóng 5 tỉ đồng vào kho bạc để bảo đảm thực hiện dự án mà hơn 4 tuần mới xong" - bà Thắm bức xúc.
Bà Thắm cũng là đại diện lò giết mổ Xuyên Á - cơ sở đang được Sở NN-PTNT lấy ý kiến cho phép hoạt động trở lại với công suất 500 con/ngày. Trước khi bị dừng do sự cố heo tiêm thuốc an thần, lò mổ này có công suất lên đến 5.000 con/ngày. Cơ sở này muốn được hoạt động lại với công suất khoảng 1.500-2.000 con/ngày do không cho 13 thương lái vi phạm trong vụ thuốc an thần thực hiện giết mổ tiếp.
Theo quy hoạch, TP HCM có 6 nhà máy giết mổ công nghiệp để thay thế hoạt động giết mổ thủ công hiện hữu nhưng chỉ có 5 nhà máy đang triển khai. Trong đó, 3 nhà máy kịch liệt phản đối việc cho phép mở mới nhà máy giết mổ thủ công. Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn là chủ đầu tư đi trước trong việc xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp. Dịp Tết 2017, công ty này đã có văn bản xin hoạt động giết mổ thủ công tạm, trước khi hoàn thiện nhà máy giết mổ công nghiệp nhưng không được chấp nhận. Sau khi xảy ra sự việc tại lò mổ Xuyên Á, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo công ty nhìn nhận sẽ không chủ động xin giết mổ thủ công mà tập trung đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy công nghiệp. Tuy nhiên, nếu TP yêu cầu hỗ trợ địa điểm giết mổ thủ công thì công ty sẽ thực hiện.
Không dám trữ dù thịt heo quá rẻ
Chủ một nhà máy chế biến thực phẩm lớn tại Bình Dương nhận định hiện khá yên tâm với nguồn nguyên liệu thịt gà nội địa. Nguyên nhân là do sản phẩm thịt gà đã có nhiều nhà cung cấp kiểm soát theo chuỗi từ con giống đến trại nuôi, nhà máy giết mổ hiện đại và bán thịt pha lóc cho các đơn vị chế biến. Trong khi đó, hệ thống cung cấp thịt heo lại vô cùng lạc hậu do chưa có nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại. Thịt ra lò từ các cơ sở giết mổ thủ công, bán thịt nóng, chỉ dùng được trong 1-2 ngày. Do đó, hiện giá thịt heo nạc chỉ 37.000 đồng/kg, rẻ hơn cả thịt gà công nghiệp nhưng nhà máy không dám mua trữ vì sợ nhanh hỏng.
Bình luận (0)