Ngày 25-10, Sở Công Thương TP HCM đã gặp gần 200 DN để phổ biến về cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam trong Nghị định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Doanh nghiệp lo sức ép cạnh tranh
CPTPP dự kiến đầu năm 2019 sẽ được thực thi. Chia sẻ việc rất quan tâm đến việc thực thi CPTPP và các FTA cũng như "rối" trước quá nhiều thông tin nhưng không biết áp dụng thế nào, các DN bày tỏ mong muốn nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể hơn từ Bộ Công Thương.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Việt Nam đã ký rất nhiều FTA, có những hiệp định trùng lắp, DN chỉ chọn áp dụng cái nào có lợi nhất. Nhưng DN lo lắng nhất sức ép cạnh tranh khi CPTPP thông qua vì đa phần DN trong nước quy mô nhỏ và vừa; hiện số lượng DN lớn có thể đi ra ngoài đầu tư để tận dụng FTA chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, các nước đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là người láng giềng Trung Quốc tận dụng cơ hội này để vào Việt Nam và tận dụng những ưu đãi. Nếu DN ngoại vào tận dụng ưu đãi xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại sẽ rất nguy hiểm cho Việt Nam.
Trao đổi với các DN tại hội nghị, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho rằng FTA nào cũng đưa ra thách thức là phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khác, cơ cấu hàng hóa giữa các thành viên FTA tương đồng với nhau. Việc đàm phán FTA với nhiều thị trường nhằm tìm nhiều cơ hội mở cửa thị trường cho Việt Nam. Chúng ta nhập siêu lớn từ khu vực nên phải tìm sự cân bằng từ thị trường EU.
Đại diện Bộ Công Thương giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị
"Thách thức là bắt buộc. Trào lưu FTA rất phổ biến, nếu chúng ta không nhanh chân thì khó tiếp cận thị trường các nước nên thà là phải đương đầu khó khăn từ sớm để tạo động lực tái cơ cấu, đầu tư phát triển" – bà Mai nói.
Về cơ bản CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiêu chuẩn cao và toàn diện; xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
"DN trước hết là phải tìm hiểu sâu hơn nữa về các cam kết. Mỗi DN phải tự tìm hiểu theo ngành hàng của mình. Vai trò của cách hiệp hội cũng rất quan trọng: phải đứng ra phân tích, tìm hiểu về hiệp định, phân tích các cam kết và những khó khăn thách thức mà DN gặp phải. Tôi nghĩ rằng cạnh tranh khi gia nhập các hiệp định cũng chính là động lực để DN đổi mới, không tham gia thì chúng ta sẽ bị tụt hậu. Các DN phải liên kết với nhau, đổi mới cải tổ quy trình sản xuất của mình, chuyển đổi áp dụng công nghệ để chen chân vào chuỗi cung ứng mà CPTPP sẽ mang lại sau khi có hiệu lực" – bà Mai nói thêm.
Tận dụng ưu đãi thuế
Các diễn giả cũng lưu ý những điểm mới, khác biệt của quy định về xuất xứ hàng hóa theo CPTPP so với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia. Bà Trần Thị Thu Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính, cho biết mặc dù các FTA đều quy định lộ trình cắt giảm thuế nhưng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế không đơn giản, DN muốn được hưởng thuế suất thấp phải đáp ứng các điều kiện về xuất xứ. CPTPP rất khác các FTA trước, chúng ta có đến 17 hiệp định đang đàm phán. Mỗi hiệp định có quy định về xuất xứ và thuế khác nhau nên phòng xuất nhập khẩu của các công ty rất vất vả nhất để theo dõi thực thi các quy định của pháp luật cũng như các hiệp định này.
Cũng theo bà Huyền, biểu thuế của CPTPP rất lớn, rất khác so với các biểu thuế trong các FTA trước đây. Trước mắt 2019-2020 thuế suất bình quân của CPTPP còn cao hơn 1 số FTA khác nhưng càng về sau càng cắt giảm sâu hơn. Tỉ lệ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam: 97,8% số dòng thuế sẽ được giảm thuế về 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Trong CPTPP, DN được nhập khẩu con giống đối với tôm, cua, nguyên liệu sản xuất hạt điều đã bóc vỏ đồng thời được nhập khẩu 60% nguyên liệu cà phê chưa rang. Về mặt hàng dệt may: áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi và danh mục nguồn cung thiếu hụt.
Trong hiệp định này, hàng cũ được tân trang và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật phải được coi như hàng mới. Thứ 2, hàng xuất khẩu mang đi sửa chữa ở nước ngoài và nhập khẩu trở về Việt Nam thì được miễn thuế. Nội dung này đã được đưa vào quy định trong Luật xuất nhập khẩu. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu cho gần 400 mặt hàng; mặt hàng xăng dầu, vàng và than giữ lại không cam kết xóa bỏ thuế. Cơ bản Việt Nam không phải sửa luật thuế xuất nhập khẩu cho phù hợp CPTPP.
Một số khác biệt chính của CPTPP với các FTA khác
CPTPP điều chỉnh nhiều vấn đề thương mại truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn phổ biến trong các FTA nhưng cũng điều chỉnh những vấn đề thương mại phi truyền thống như thương mại điện tử, mua sắm của cơ quan chính phủ, DN nhà nước, thương mại với mối quan hệ bảo vệ môi trường, bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động, chống tham nhũng.
Dịch vụ, đầu tư có mức độ mở cửa thị trường cao, bao gồm dịch vụ quảng cáo, logistics, tư ấn pháp lý, phân phối. CPTPP tiếp cận theo cách chọn bỏ; cơ chế điều chỉnh chính sách là chỉ tiến không lùi. Ngoài ra, CPTPP áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư với phạm vi rộng hơn.
Bình luận (0)