Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, tăng giá xăng dầu vào 20 giờ là thích hợp nhất với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh minh họa
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài chính vào chiều 8-7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần giảm giá và 5 lần tăng giá. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm giá chỉ diễn ra đối với các mặt hàng: dầu diesel, dầu hỏa. Mức giảm cũng khá khiêm tốn.
Riêng mặt hàng xăng, việc điều hành giá chỉ diễn ra ở chiều tăng mà không giảm lần nào. Với 5 lần điều chỉnh tăng giá xăng, mặt hàng này tăng thêm tổng cộng 1.440 đồng/lít. Trong đó, lần điều chỉnh gần đây nhất là ngày 7-7 với mức tăng 410 đồng/lít, nâng mức giá bán lẻ xăng tại vùng 1 lên 25.640 đồng/lít, vùng 2 (khu vực xa trung tâm, kho, cảng) lên 26.150 đồng/lít.
Giải thích về việc giá xăng tăng, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Theo quy định về điều hành giá xăng dầu thì chu kỳ tính giá là 10 ngày, lưu thông 30 ngày nên tính từ 23-6 (lần điều hành gần nhất - PV) đến 7-7 đã là hơn 10 ngày. Tại lần điều chỉnh giá ngày 7-7, mức chênh lệch giá bán lẻ và giá cơ sở là 918 đồng/lít, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền điều chỉnh theo mức trần liên bộ cho phép. Nếu không sử dụng Quỹ bình ổn 500 đồng/lít thì thực tế giá xăng phải tăng nhiều hơn”.
Đại diện Cục Quản lý giá cũng khẳng định việc điều hành giá hoàn toàn phù hợp với quy định cho phép của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, có đánh giá đến lạm phát, xem xét thấy diễn biến tốt và quyết định điều hành giá theo thị trường, có sự kiềm chế bằng quỹ bình ổn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc điều chỉnh giá xăng thường diễn ra vào “giờ hiểm”, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Theo đánh giá thì 20 giờ là thích hợp nhất cho thực hiện báo cáo tồn kho và không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Bình luận (0)