Theo đó, hãng hàng không tăng tải nhiều nhất là Vietjet (VJ) với kế hoạch tăng tổng cộng 560 chuyến bay, lượng ghế cung ứng đạt 100.800 (tăng 8,9%). Đứng thứ 2 là Vietnam Airlines (VNA) tăng 380 chuyến, lượng ghế cung ứng đạt 76.758 (tăng 6,3%) và Jetstar Pacific (JPA) tăng 330 chuyến, tương ứng với 59.400 ghế (tăng 12,7%) so với lịch khai thác thường lệ.
Đáng lưu ý, trong cao điểm Tết, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 1.065 chuyến đi/đến, tăng 7,7% so với lịch bay thường lệ, tương đương với mức tăng trung bình 38 chuyến/ngày. Trong đó, tăng chuyến bay đến Tân Sơn Nhất nhiều nhất vẫn là VJ với 560 chuyến, VNA tăng 340 chuyến và JPA tăng 165 chuyến. Trong ngày cao điểm, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tiếp nhận 807 chuyến/ngày, tăng hơn 11%.
Để thực hiện tốt công tác điều phối giờ cất/hạ cánh (slot), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Cục HKVN làm việc với các đơn vị liên quan thống nhất tiêu chí xác định khung giờ cao điểm, trung điểm, thấp điểm và xây dựng khung giá dịch vụ bay để các hãng hàng không lựa chọn. Trên cơ sở đó sẽ cấp phép slot vào các khung giờ cho hợp lý, minh bạch, công bằng giữa các hãng hàng không, giảm tải áp lực giao thông cho TP HCM vào giờ cao điểm cũng như tạo sự chủ động hơn cho đơn vị trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Cục HKVN cũng phải làm việc với các địa phương có cảng hàng không, sân bay đang hoạt động để có phương án tăng cường loại hình vận tải khác để trung chuyển, giải tỏa hành khách, hàng hóa vào ngày cao điểm. Bộ GTVT cũng giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tiết hài hòa hoạt động cả trong và ngoài sân bay, tránh ùn tắc.
Để bảo đảm an toàn bay, Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị liên quan sắp xếp nhân sự và bố trí hợp lý thời gian làm việc dịp cao điểm, bảo đảm có thời gian nghỉ ngơi của nhân viên, tránh căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến những sai sót do chủ quan, đặc biệt là đối với lực lượng kiểm soát viên không lưu, an ninh sân bay, phi công, tiếp viên...
Bình luận (0)