Tình trạng khan hiếm lương thực đã xảy ra trên thế giới trong nhiều năm gần đây song phải đến đầu năm 2007, thế giới mới thật sự bắt đầu khủng hoảng lương thực, nhất là lúa gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do dân số thế giới tăng, nhu cầu sử dụng lương thực tăng cao hơn khả năng cung; tốc độ tăng trưởng năng suất lúa 10 năm gần đây có xu hướng giảm; diện tích trồng lúa trên thế giới ngày càng thu hẹp; đầu tư cho nông nghiệp bị giảm sút...
Những điều kiện bất lợi đó càng làm cho khủng hoảng lương thực thế giới thêm trầm trọng. Thực tế này càng thôi thúc đất nước ta ngay từ bây giờ phải thực thi cấp bách và hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực lâu dài.
Riêng tại ĐBSCL, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực này để triển khai xây dựng 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Song song đó, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu và cấp nước cho các nhu cầu; xây dựng hệ thống đê biển quốc gia; phát triển giao thông thủy bộ ở các vùng sản xuất lúa; xây dựng cảng Cần Thơ trở thành cảng biển xuất khẩu trực tiếp lúa gạo ở vùng ĐBSCL. |
Những năm gần đây, diện tích đất lúa của VN tiếp tục giảm (4 năm gần đây mất gần 200.000 ha) để đáp ứng các nhu cầu phát triển khác, nhiều nhất là đô thị hóa; chi phí sản xuất lúa tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân; biến đổi khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Những yếu tố đó ít nhiều đe dọa an ninh lương thực nước ta.
Trước những thách thức trên, VN cần có những giải pháp, chính sách khẩn trương, hữu hiệu nhằm hạn chế, giảm bớt các tác động bất lợi. Qua nghiên cứu, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn thuộc Bộ NN-PTNT đã đề xuất một số giải pháp chính yếu. Trước hết, cần áp dụng chính sách thắt chặt quản lý đối với quỹ đất lúa quốc gia. Cụ thể là phải duy trì được 4 triệu ha đất canh tác lúa trên cả nước. Đồng thời, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ các chính sách, biện pháp để quản lý và xây dựng quỹ đất lúa này theo hướng đầu tư hỗ trợ cho người trồng lúa và vùng trồng lúa như xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác khuyến nông, cơ giới hóa sản xuất vùng trồng lúa.
Về kỹ thuật nông nghiệp, những giải pháp căn cơ và hiệu quả đang được triển khai gồm: Đầu tư nghiên cứu khoa học và khuyến nông trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học nhằm phát triển nền sản xuất lúa bền vững; khuyến khích phát triển các loại hình sản xuất lúa hợp tác, gắn chặt sản xuất với tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao công nghệ và nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa; tăng cường hệ thống giám sát, thu thập thông tin thị trường lúa gạo và cung cấp miễn phí cho người trồng lúa.
Ngoài ra, tổ chức lại hệ thống phân phối lúa gạo nội địa để bình ổn thị trường, trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đầu tư xây dựng kho chứa và tăng lượng gạo dự trữ quốc gia.
Bình luận (0)