Ngày 10-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018.
Tăng lạm phát thấp nhất
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm biến động sát với dự báo. CPI tháng 6 chỉ tăng 0,61% (chịu tác động tăng chính do giá thịt heo tăng khoảng 0,34%). Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu loại trừ yếu tố giá thịt heo tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng 6 chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay.
Về chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết lãi suất cơ bản vẫn ở mức thấp (1,35%). Tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ 17%, thấp hơn chỉ tiêu của năm 2017 và trong 6 tháng đầu năm, tín dụng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (7,88% so với 9,06%). Cả nước xuất siêu 2,7 tỉ USD, thặng dư cán cân thanh toán lên 9 tỉ USD, lãi suất ổn định nên không phải là nguyên nhân làm tăng tỉ giá bất thường.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU
Cục Quản lý giá và Tổng cục Thống kê độc lập đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm. Cả 2 kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất khoảng 4%. Theo kịch bản 1, lạm phát cả năm 2018 dao động từ 3,7%-3,88%. Ngay trong tháng 7, lạm phát sẽ giảm 0,2% so với tháng trước do giá dịch vụ y tế sẽ giảm 0,34%, giá xăng dầu (nếu không điều chỉnh) sẽ giảm 1% nhưng có yếu tố tăng giá từ giá thịt heo, điện nước sinh hoạt, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá gas thế giới. Từ các tháng 8 đến 12, lạm phát sẽ tăng do tăng giá thịt heo, xăng dầu, gas, dịch vụ giáo dục, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) áp vào xăng dầu, ảnh hưởng của thiên tai bão lũ... Kịch bản 2 là vẫn các yếu tố giá cả như trên nhưng ở mức tăng cao hơn thì kịch bản lạm phát bình quân của năm 2018 tăng so với năm 2017 từ 3,9%-4%.
Bộ Giao thông Vận tải phải rút kinh nghiệm
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng nếu tăng thuế BVMT thì nên tăng theo lộ trình với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì 1.000 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho hay nếu xăng dầu tăng quá mức thì bộ sẽ chỉ đạo các hãng tăng nhẹ giá vé máy bay. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ GTVT cần rút kinh nghiệm về cách điều hành giá vé máy bay trong thời gian qua, không điều chỉnh giá thời điểm người dân đi lại nhiều và đưa nội dung điều chỉnh giá vé máy bay, vé xe buýt vào phương án kiểm soát giá của bộ. Đối với giá thịt heo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thận trọng, chưa cho tái đàn ồ ạt sẽ làm người nuôi thua thiệt. Bộ cần có báo cáo riêng về điều hành giá thịt heo, bảo đảm giữ giá như hiện nay và cố gắng giảm giá.
Phó Thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế BVMT với xăng dầu, tăng cường sử dụng quỹ bình ổn để giảm giá xăng hoặc có thể ngừng trích lập quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh:
Không dễ dàng
Ngay cả khi thuế BVMT với xăng dầu chưa tăng kịch trần mà chỉ tăng một phần thì vẫn có tác động đến tăng giá xăng, kéo theo tăng giá cước vận tải và hàng loạt mặt hàng tiêu dùng khác. Ngay 6 tháng đầu năm, giá mặt hàng giao thông đã tăng hơn 5,5% do giá xăng dầu tăng cao. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng nhập khẩu còn chịu sức ép của tỉ giá tăng và vấn đề cung tiền. Nếu cung tiền ra lớn, lạm phát có thể sẽ bùng phát vào cuối năm hoặc sang các năm tiếp theo.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017 có thể vẫn chưa là con số phản ánh thật đúng tình hình giá cả trên thị trường. Tôi không muốn nói rằng số liệu thống kê giá chưa chính xác nhưng tôi muốn lưu ý yếu tố giá trên thị trường đã biến động tăng nhiều tháng qua. Kìm giữ CPI trong nửa đầu năm đã khó thì nửa cuối năm còn khó hơn.
PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển:
Tác động của kinh tế thế giới
Áp lực cuối năm không hề đơn giản. Rất nhiều vấn đề có thể đẩy giá lên như chi tiêu mua sắm lớn theo quy luật, giá dịch vụ y tế tăng từ trước sẽ tiếp tục có tác động dần dần, thuế xăng dầu có xu hướng tăng để bù đắp thâm hụt ngân sách… Bên cạnh đó, còn có tác động của kinh tế thế giới với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu thế quay trở về chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc của nhiều quốc gia… có thể không tác động trực tiếp nhưng lại gây "tâm lý thị trường" để đẩy giá cả lên.
P.Nhung ghi
Bình luận (0)