Sau hơn 6 tháng duy trì tỉ giá ổn định, đợt tăng tỉ giá hôm 11-2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD (9,3%), là mức điều chỉnh một lần tăng cao nhất từ năm 1993 đến nay, tương đương mức biến động tỉ giá của cả năm 2010.
Tỉ giá tăng thêm 20 đồng/USD Phù hợp với diễn biến thị trường
Ngày 12-2, NHNN tiếp tục điều chỉnh tỉ giá liên NH lên 20.713 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với hôm trước.
Với biên độ ±1%, các NH thương mại đồng loạt niêm yết giá mua vào 20.900 đồng/USD, bán ra ở mức trần 20.920 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỉ giá VNĐ/USD bắt đầu hạ nhiệt.
Các tiệm vàng mua vào 21.500 đồng/USD, bán ra 21.540 đồng/USD, giảm 60 đồng/USD. Giới kinh doanh ngoại tệ dự báo tỉ giá VNĐ/USD tự do sẽ còn giảm mạnh trong vài ngày tới bởi giao dịch hết sức ế ẩm.
. Tuy tỉ giá tăng mạnh nhưng một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng yếu tố quan trọng nhất là áp lực mua - bán USD theo tỉ giá trong lẫn ngoài NH sẽ bị xóa bỏ.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex, chia sẻ ông cảm thấy khá thoải mái khi mọi thông tin liên quan đến giao dịch ngoại tệ sẽ được doanh nghiệp và NH thể hiện rõ ràng.
Theo ông Nam, tỉ giá cao hay thấp không còn là yếu tố quan trọng. Vấn đề mà doanh nghiệp cần lúc này là tỉ giá ổn định, hoặc có biến động nhưng phải phù hợp với diễn biến thị trường.
Khi đó, doanh nghiệp mới mạnh dạn tính toán, hoạch định chiến lược kinh doanh sản xuất hiệu quả.
Lãnh đạo của một số NH cũng cho biết trước đây doanh nhiệp và NH đã giao dịch ngầm dưới 21.000 đồng/USD.
Tuy nhiên, sau khi tỉ giá mới được công bố, thị trường sẽ dần ổn định, nguồn cung USD sẽ thông thoáng hơn.
Doanh nghiệp sẽ mạnh tay bán USD rồi gửi tiết kiệm bởi lãi suất tiền gửi VNĐ lên tới 14%/năm, cao hơn lãi suất USD 8% (hiện tại lãi suất tiết kiệm USD cao nhất là 6%/năm).
Từ đó, nguồn cung USD lẫn huy động vốn bằng VNĐ của các NH sẽ tăng lên. Mặt khác, tỉ giá được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường cũng kích thích vốn đầu tư nước ngoài đổ vào VN, tăng thêm nguồn vốn USD.
Thy Thơ |
Kiểm soát chặt giá và chi phí công
Tỉ giá tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI, tác động đến lạm phát bởi các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu được tính theo tỉ giá mới, thậm chí xuất hiện những loại hàng hóa “ăn theo” đà tăng của tỉ giá.
Lạm phát của VN không chỉ phát xuất từ tỉ giá mà còn chịu tác động từ tỉ lệ xuất nhập khẩu lên tới 150% GDP nên khi USD tăng giá, lập tức giá cả hàng hóa biến động.
Do đó, Chính phủ cần kiểm tra thật chặt chẽ giá cả thị trường; chế tài, xử phạt thật nặng doanh nghiệp lợi dụng tỉ giá để tăng giá hàng hóa, khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa trong nước.
Mặt khác, Chính phủ cần hạn chế đầu tư công, quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, chống thất thu thuế...
Đặc biệt, việc cấp ngân sách cho các địa phương phải được xem xét cẩn trọng, tránh tình trạng các địa phương được cấp nhiều ngân sách nhưng sử dụng lãng phí.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến ngân sách, tức giảm được bội chi ngân sách, đồng nghĩa tổng cầu của nền kinh tế sẽ giảm, từ đó giải quyết được vấn đề nhập siêu, thâm hụt thương mại, tỉ giá, kiểm soát được lạm phát.
Điều hành tỉ giá phải linh hoạt hơn
Sự điều chỉnh tỉ giá đã thu hẹp chênh lệch tỉ giá chính thức với tỉ giá trên thị trường tự do sẽ giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của VN do không phải gia tăng bán USD theo tỉ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa hai tỉ giá.
Điều này còn giúp tăng cường tập trung và quản lý kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức, đồng thời giúp các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỉ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường.
Trong đó, lưu ý rằng thực tế cho thấy cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng một chiều tỉ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỉ giá kéo dài.
Nói cách khác, cần điều chỉnh tỉ giá có lên, có xuống, thời gian ngắn và nhanh hơn, với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao dịch có thể rộng hơn... thì bớt tạo sốc tỉ giá và những hệ lụy mặt trái của điều chỉnh tỉ giá hơn.
T.Thơ - T.Hà ghi |
Bình luận (0)