Hội nghị Kinh tế Đối ngoại Việt Nam lần thứ 3 do Tập đoàn báo chí The Economist (Anh) và Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra ngày 11-1 tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 250 đại biểu là các thành viên cấp cao của Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và học giả có uy tín.
Kinh doanh bình đẳng
Nhấn mạnh sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang cản trở quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, ông Charles Goddard đặt câu hỏi: “Chính phủ Việt Nam có giải pháp gì để cải cách DNNN và hạn chế lợi ích của Chính phủ cũng như các bộ, ngành tại khu vực kinh tế này?”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải không né tránh câu hỏi nhạy cảm này: “Điều ông đề cập, tôi hiểu là lợi ích cá nhân, là tham nhũng nên đều phải chống. Việt Nam đã có chương trình phòng chống tham nhũng và minh bạch hóa chính sách thông qua chiến lược cải cách hệ thống pháp luật”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thẳng thắn thừa nhận đổ vỡ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là một bài học thất bại bên cạnh bài học thành công về quản trị DNNN. “Từ bài học này, Chính phủ Việt Nam nhận thấy rõ hơn vai trò của việc tái cơ cấu DNNN và quyết tâm thực hiện” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Ưu tiên dự án bảo đảm môi trường
Trước nhiều câu hỏi về chính sách của Việt Nam đối với các thành phần kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh thừa nhận sự bình đẳng được thể hiện trên văn bản pháp quy nhưng trong thực tế, còn có sự phân biệt đối xử. “Khi tái cơ cấu DNNN, bức tranh sẽ khác” - ông Sinh cam kết. Theo ông Cao Viết Sinh, Việt Nam xác định ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao và quyết tâm chỉ thu hút các dự án bảo đảm an toàn với môi trường.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, đánh giá sau 4 năm hội nhập, Việt Nam đã ra đến đường cao tốc và buộc phải đi theo tốc độ quy định. “Ở Hội nghị APEC, các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi điều gì đang xảy ra với Việt Nam, vì sao con rồng châu Á chững lại? Lúc này, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách DNNN, tái cơ cấu ngân hàng để tạo đà lên nấc thang mới” - ông Michael Michalak nói.
Sáp nhập thêm nhiều ngân hàng Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết cơ chế điều hành lãi suất năm 2012 sẽ dựa theo mục tiêu lạm phát. Các kịch bản lạm phát được chia theo 3 cấp độ: 8% (tốt), 9% (kịch bản mục tiêu) và 12% (xấu). Theo đó, lãi suất huy động trong kịch bản mục tiêu là 10% - 11%/năm. Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, sẽ có từ 5 đến 8 ngân hàng tiến hành sáp nhập. |
Bình luận (0)