Tại hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần kiểm soát, nắm chắc quá trình sản xuất, tăng trưởng của từng lĩnh vực, từng sản phẩm chủ lực để kịp thời có giải pháp ứng phó khi nảy sinh những diễn biến không thuận lợi như kịch bản đã đề ra.
Không còn quý sau cao hơn quý trước
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh nhận định mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước sẽ không còn được duy trì trong năm 2018, mà sẽ theo xu hướng giảm dần. Nguyên nhân là do tăng trưởng GDP năm 2017 đã có sự bứt phá mạnh giữa các quý với các nhân tố tác động chính là sự gia tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Samsung, nhà máy Formosa bắt đầu đi vào hoạt động. Hai yếu tố này đã tạo ra một nền rất cao ở các quý sau, dù tăng trưởng quý I chỉ ở mức 5,15%.
Đóng gói thanh long xuất khẩu đi Mỹ Ảnh: NGỌC ÁNH
TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng đây là thời điểm cần tìm ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Nông nghiệp có thể là một động lực của tăng trưởng nếu phát triển được công nghiệp chế biến. "Chưa bao giờ nông nghiệp có sức hút đối với các nhà sản xuất như hiện nay. Điều đó đặt ra vấn đề phải giải quyết bài toán đầu ra. Không chỉ tìm thị trường mà còn phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong bối cảnh tiêu thụ thực phẩm trên thế giới đang có xu hướng tăng, nếu làm được thì nông nghiệp sẽ trở thành động lực tăng trưởng" - ông Vũ Viết Ngoạn khẳng định.
"Không xuất khẩu được là chết"
Nêu giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhìn từ góc độ kinh tế ngành, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD, tăng 20% so với năm trước. Đây là mục tiêu cao trong bối cảnh thủy sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giải pháp đầu tiên VASEP kiến nghị là được đối thoại với cơ quan Chính phủ nhiều hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Mặc dù tháng 5-2017, Thủ tướng đã có chỉ thị chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra nhưng tính đến cuối năm, mỗi doanh nghiệp thủy sản vẫn phải tiếp ít nhất 6-8 đoàn thanh, kiểm tra.
VASEP cũng nêu thực trạng xuất khẩu cá tra tiểu ngạch sang Trung Quốc bằng mọi giá, gom cả nguyên liệu cá chết để xuất khẩu đang đe dọa đến uy tín của mặt hàng cá tra Việt Nam đã gầy dựng suốt 20 năm qua. Ngay từ bây giờ, Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm liên tục trong 3 tháng để giữ uy tín cho cá tra.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, mong muốn Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn về dệt và nhuộm để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 24 - 34,5 tỉ USD, tăng 10% của ngành dệt may. Ông cho biết công nghệ xử lý chất thải hiện đã rất tiến bộ, nước thải trước khi xả ra môi trường có thể nuôi cá sống được nhưng các dự án đầu tư vào dệt nhuộm vẫn bị từ chối ở nhiều địa phương. Một tập đoàn nổi tiếng muốn đầu tư dây chuyền dệt nhuộm vào Vĩnh Phúc, Chính phủ và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chấp thuận chủ trương nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa cấp phép.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảnh báo thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam là độ mở của nền kinh tế đã lên đến 200% GDP; trong khi hiện nay, xu hướng bảo hộ mậu dịch dựng lên khắp nơi thành trào lưu mới. Những cú sốc nhỏ của thị trường thế giới đều ảnh hưởng ngay đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. "Nguy cơ rủi ro lớn nhất không phải sản xuất, không phải biến đổi khí hậu mà đến từ thị trường. Không xuất khẩu được là chết" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
2 kịch bản tăng trưởng năm 2018
Kịch bản 1: GDP tăng 6,7%. Đây là kịch bản phấn đấu nhưng vẫn có thể đạt được. Theo kịch bản này, các ngành, các cấp cần kiên trì, kiên định thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời có sự theo dõi chặt chẽ những diễn biến cụ thể từng tháng, từng quý của ngành, lĩnh vực và từng sản phẩm để có những giải pháp và đối sách phù hợp, tận dụng triệt để những thuận lợi và cơ hội cả trong và ngoài nước đem lại để phục vụ cho mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực.
Kịch bản 2: GDP đạt 6,8%. Về cơ bản, kịch bản 2 được xây dựng bám sát theo kịch bản 1, trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Bình luận (0)