xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tảo tần đời rẩu

HỒNG ÁNH ảnh kim hoàn

Nếu tìm trên Google "rẩu" là gì, bạn sẽ không nhận được kết quả nào đúng nghĩa. Nếu lần giở các từ điển tiếng Việt, bạn cũng chẳng tìm đâu ra định nghĩa từ "rẩu". Thế nhưng, với người dân xứ "nẫu" Bình Định - Phú Yên, nói đến "rẩu" thì hầu như không ai không biết.

"Rẩu" chỉ những người mua đi bán lại thủy sản. Tùy công việc họ làm mà có những tên gọi khác nhau, như "rẩu nước", "rẩu bờ", "rẩu cái", "rẩu con"...

Không chỉ nói đến một nghề, "rẩu" còn chỉ tính cách. Buồn thay, đấy lại là tính cách tiêu cực - chỉ người bốp chát, hỗn láo, giành giật, ồn ào... Khi nói về ai đó có tính cách ấy, người "nẫu" thường bảo "như nẫu rẩu". Họ ồn ào đến mức mới đi đến đầu xóm thì cuối xóm đã nghe rổn rảng. Người xưa dạy con "trai khôn tìm vợ chợ đông" nhưng tìm đâu thì tìm, phải tránh xa… hàng cá - tức tránh xa người làm nghề "rẩu". Hiếm khi "rẩu" được sử dụng mang ý nghĩa tích cực. Họa hoằn lắm, nó mới được dùng để mắng yêu, kiểu "con bé ấy rẩu ơi là rầu" khi nói đến những cô nhóc liến thoắng.

Tảo tần đời rẩu - Ảnh 1.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Huiền Ân, những phụ nữ làm nghề rẩu xưa kia phải quang gánh chạy bộ từ bến đến chợ. Họ phải nhanh chóng mua để tôm, cá còn tươi; nhanh chóng đưa đi để kịp buổi chợ, kịp bán hàng.

"Chính sự cạnh tranh ấy nhiều khi làm cho người ta vượt quá văn hóa ứng xử. Họ phải cãi vã, tranh mua tranh bán, giành giật, to tiếng với nhau. Mặt khác, phần lớn những người làm nghề rẩu sống gần biển nên cách ăn nói của họ cũng ảnh hưởng dân biển là "ăn to, nói lớn", "ăn sóng, nói gió". Những điều ấy đã tạo nên một hình ảnh không mấy tốt đẹp cho người làm nghề rẩu" - ông Ân giải thích.

Tuy nhiên, ông Ân cho rằng đó chỉ là ấn tượng một thời. Bây giờ, người làm nghề rẩu có những phương tiện vận chuyển nhanh hơn, đời sống văn hóa cũng cao hơn nên chuyện tranh giành mua bán đã giảm nhiều. Họ cũng chẳng còn ồn ào như trước nữa. Chính vì vậy mà từ "rẩu" chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng.

Thế nhưng, không ít phụ nữ làm nghề rẩu vẫn phải chịu sự kỳ thị. Bà Huỳnh Thị Nẹp ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có 4 chị em. Trong đó, 2 người làm nghề khác đã lập gia đình, còn bà và người em sống bằng nghề rẩu thì cứ ở vậy nuôi cha.

"Hồi trẻ, chị em tôi không có "ma" nào thèm tán tỉnh" - bà Nẹp nhớ lại. Không có ai để mắt, bà đành chủ động kiếm đứa con hú hí tuổi già. Huỳnh Thị Minh Hiếu ra đời và mang họ mẹ là vậy. Bây giờ, cô gái ấy đã là sinh viên năm 3 Trường Đại học Khánh Hòa. Liên lạc hẹn gặp Minh Hiếu, tôi nghe nhạc chờ điện thoại là một bài hát cảm động về mẹ. Nhắc đến công việc của mẹ và dì, cô bày tỏ: "Rẩu là nghề lương thiện, đáng quý. Em tự hào về nghề của mẹ và dì".

Theo bà Võ Thị Phân - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5, phường Phú Đông - hễ khu phố có chuyện gì là chị em bà Nẹp liền phụ giúp một tay. "Cha của 2 chị ấy thật có phúc, bị căn bệnh phổi hành hạ tưởng không sống nổi đến 70 tuổi, vậy mà được chăm sóc kỹ quá nên đến tận tuổi 89 mới mất" - bà Phân cho biết.

Mẹ bươn chải nghề rẩu nuôi con ăn học đàng hoàng thì xứ "nẫu" đâu đâu cũng có. Chị Nguyễn Thị Minh Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Đông, cho biết chỉ riêng phường này đã có gần 100 phụ nữ làm nghề rẩu. "Cuộc sống dù còn lắm vất vả nhưng điều đáng quý là họ rất đảm đang, tảo tần" - chị Thủy nhận xét.

Ở phường Phú Đông, chị Ngân rẩu - tên thật là Nguyễn Thị Lan - được nhiều người biết đến. Vợ bán cá, chồng đi biển, dù cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn lo cho 4 con học hành chu đáo. Trong đó, cô chị Đặng Thị Hồng Hà đang học năm 4 Trường Đại học Phú Yên, còn cô em kế Đặng Thị Hà Tiên năm rồi dù đậu vào Trường Đại học Công nghiệp TP HCM nhưng thương cha mẹ phải lo học phí nên chọn nơi có học bổng là Trường Đại học Lạc Hồng.

"Nhiều khi có người chọc ghẹo, dè bỉu là có mẹ làm nghề rẩu nhưng em chỉ cười. Em càng cảm thấy tự hào về nghề của mẹ mà không chút mặc cảm hay tự ti" - Hà Tiên khẳng định. Trong khi đó, Hồng Hà thổ lộ: "Với nghề rẩu, mẹ đã cùng ba nuôi 4 chị em ăn học, lớn khôn. Có thể ai đó còn có ý nghĩ không hay về rẩu nhưng đây là nghề mà em luôn trân trọng".

Nhìn cảnh chị Lan đi bán về, trên người còn vương đầy mùi tôm cá nhưng cô con gái út Đặng Thị Trà My, đang học lớp 5, vẫn sà vào lòng mẹ thì ai còn chút định kiến về nghề rẩu cũng sẽ thay đổi suy nghĩ. Chị Lan xởi lởi: "Hết ngày này qua tháng nọ, mùi cá tôm ám vào người nên quen rồi, không thấy tanh nữa". Anh Đặng Sơn, chồng chị Lan, nửa đùa nửa thật: "Nhờ có mùi tanh ấy, tối tôi mới ngủ ngon đó". Cả nhà phá lên cười.

Chỉ tay vào bức tường dán đầy giấy khen của các con, chị Lan tự hào: "Anh Sơn ngày xưa học giỏi lắm, lúc nào cũng đứng nhất lớp nhưng vì gia đình khó khăn mà phải nghỉ giữa chừng. Bây giờ, dù có khổ đến đâu, vợ chồng tôi cũng nhất quyết lo cho con cái ăn học nên người".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo