Kế hoạch này có thể làm giảm ngay 50 tỉ euro từ các khoản nợ của Athens, hơn nữa nó tương đối có lợi cho những người nộp thuế.
Đề xuất của Allianz là một hy vọng "cứu" nền kinh tế Hy Lạp
Theo Allianz, kinh phí giải cứu kinh tế Hy Lạp phải được phân phối giữa chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, ông Michael Diekmann, người đứng đầu Allianz cùng Giám đốc Tài chính Paul Achleitner đã đề xuất áp dụng hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Allianz cũng đề xuất giảm và giãn nợ một cách có kiểm soát. Yếu tố chủ chốt của kế hoạch này là hoán đổi trái phiếu của chính phủ Hy Lạp một cách tự nguyện. Các nhà đầu tư tư nhân sẽ phải đổi các trái phiếu chính phủ mình đang sở hữu để lấy các chứng khoán mới, thời hạn dài hơn nhưng có giá trị 25% thấp hơn mệnh giá của trái phiếu hoán đổi.
Tất nhiên , các nhà đầu tư tư nhân sẽ chịu thua lỗ lên tới hàng tỉ euro nhưng sự hoán đổi này cũng có ưu điểm: Các nhà đầu tư nhận được nhiều tiền hơn so với việc họ đem bán các trái phiếu hiện sở hữu trên thị trường.
Ví dụ nhà đầu tư hoán đổi một trái phiếu có mệnh giá 100 euro (nhưng thị giá chỉ có 60 euro) lấy một chứng khoán có mệnh giá 75 euro. Nếu các chứng khoán mới này được Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) bảo lãnh thì cũng sẽ dễ dàng dự đoán các rủi ro tương lai của các chứng khoán đó.
Allianz đề xuất các chứng khoán này được bảo đảm bởi các khoản tín dụng mà EFSF sẽ cho Hy Lạp vay. Athens sẽ phải sử dụng các khoản vay này dưới một sự quản lý được chủ nợ tin tưởng. Như vậy, tiền lãi sẽ được dùng để hoàn trả khoản vay tín dụng, và là một sự bảo đảm đối với các chủ sở hữu các chứng khoán này, trong trường hợp tái cơ cấu nợ. Mặt khác, các nhà đầu tư có thể chấp nhận mức lãi suất thấp của trái phiếu Hy Lạp.
Kết quả của sự hoán đổi trái phiếu này sẽ làm giảm bớt khoảng 50 tỉ euro trong số 340 tỉ euro nợ công của Hy Lạp.
Người đứng đầu EU, ông Herman Van Rompuy, đã yêu cầu các bộ trưởng tài chính nghiên cứu và đưa ra ý kiến theo đề xuất này trước khi Hội nghị thượng đỉnh châu Âu bắt đầu.
Bình luận (0)