Ngày 17-6, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG - mã chứng khoán GVR) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dưới hình thức trực tuyến.
Về kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022, VRG dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa đoán định được khi nào sẽ kết thúc. Thêm vào đó là những biến động về thị trường giá cả, thời tiết khí hậu thất thường, xung đột Nga và Ukraine… sẽ tiếp tục là những yếu tố cản trở ít nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chế biến mủ cao su tại công ty thành viên VRG ở Campuchia
Nhận định được những thách thức trước mắt, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực. Ngay từ đầu năm, HĐQT VRG đã có những định hướng để Tập đoàn tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong năm qua để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022 để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và thu nhập của người lao động.
Về các chỉ tiêu cụ thể, VRG đặt mục tiêu năm 2022: doanh thu và thu nhập khác là 29.707 tỉ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2021; lợi nhuận trước thuế 6.480 tỉ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2021.
Tại phiên thảo luận, ông Phạm Văn Thành - Thành viên HĐQT VRG - đã trả lời các ý kiến, thắc mắc của cổ đông.
Ông Phạm Văn Thành (đứng) trả lời câu hỏi cổ đông
Về ý kiến tại sao kế hoạch lợi nhuận 2022 không có sự phát triển? Ông Phạm Văn Thành thông tin VRG có 5 hoạt động chính là: mủ cao su, gỗ cao su, công nghiệp, khu công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi, mang lại lợi nhuận lớn vẫn là mủ cao su năm nay gặp khó khăn do chi phí tăng như: tiền lương, phân bón (tăng 2 lần so với 2021), tiền điện, logistic trong khi giá bán tương đương năm ngoái.
Do đó, VRG cố gắng khống chế giá thành cùng với yếu tố thuận lợi là thời tiết, sản lượng mủ có thể tăng 6,8% so với năm ngoái để giữ được lợi nhuận tương đương năm ngoái (từ 6-7 triệu đồng/tấn). Với sản lượng dự kiến 400.000 tấn mủ cao su, dự kiến đem về lợi nhuận 2.400 – 2.500 tỉ đồng. Sản phẩm thứ 2 của cao su là gỗ, với diện tích thanh lý 10.000 ha/năm, lợi nhuận ước tính thu về từ 1.600 – 1.800 tỉ đồng.
Ở mảng phát triển khu công nghiệp (chuyển đổi từ đất cao su) tuy mang lại lợi nhuận tốt nhưng trong năm 2021 và cả 2022 do vướng cơ chế về đất đai nên chưa thể đưa vào kế hoạch lợi nhuận. Nếu tình hình thực tế đến cuối năm 2022, một số nội dung vướng mắc được tháo gỡ, Tập đoàn có thể vượt kế hoạch đã đề ra tại đại hội.
VRG là tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam với vốn điều lệ 40.000 tỉ đồng (nhà nước chiếm 96,77%), có số lượng người lao động lên đến gần 85.000 người. Năm 2021, thu nhập của người lao động trong toàn ngành ước đạt hơn 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với năm 2020 nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, doanh thu, lợi nhuận đảm bảo.
VRG có diện tích trồng cao su khoảng 400.000 ha, bao gồm diện tích đầu tư tại Lào (gần 30.000 ha) và Campuchia (90.000 ha). Ở trong nước, diện tích cao su của VRG chiếm khoảng 30% diện tích cao su của cả nước.
Bình luận (0)