Dù chỉ mới hạ thủy được vài tháng nhưng các tàu vỏ thép ở Bình Định đều xuất hiện tình trạng gỉ sét, hà bám nhiều trên thân tàu; máy chính thường xuyên bị sự cố và hư hỏng; hầm bảo quản không giữ được lạnh, tiêu đá nhiều...
Nằm la liệt chờ bảo hành
Sáng 4-5, dù đang mùa chính vụ khai thác thủy sản nhưng tại cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), hàng loạt tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/CP vẫn “đắp chiếu” vì hư hỏng, chờ sửa chữa. Trong đó, tàu Khánh Đỏ BĐ 99086 TS, công suất 940 CV, trị giá gần 19 tỉ đồng, được hạ thủy vào tháng 9-2016, của ông Đinh Công Khánh (53 tuổi, ngụ địa phương) nằm bờ lâu nhất.
Ông Khánh than thở: “Tháng 10 năm ngoái, tôi cho tàu đi chuyến biển đầu tiên ở ngư trường Trường Sa. Theo lịch trình, chuyến đánh bắt sẽ kéo dài khoảng 30 ngày nhưng mới 10 ngày thì đá ướp cá trong hầm tan sạch, tôi đành đưa tàu quay về sửa lại hầm đá. Đầu tháng 3 năm nay, tôi tốn mấy trăm triệu đồng để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt thứ hai nhưng vừa ra cửa biển thì hộp số máy thủy chính bị hỏng, phải quay về rồi nằm luôn đến nay vì chưa sửa xong. Thời hạn bảo hành cam kết 3 năm nhưng mỗi lần đề nghị cơ sở đóng tàu sửa chữa thì họ hẹn tới hẹn lui. Từ lúc nhận tàu mới đến nay, tôi không kiếm được đồng nào mà còn lỗ gần 700 triệu đồng”.
Gần tàu Khánh Đỏ, tàu cá vỏ thép Minh Vương mang số hiệu BĐ 99144 TS, công suất hơn 800 CV, hành nghề lưới chụp, do ông Phạm Minh Vương (ngụ địa phương) làm chủ cũng nằm bờ từ nửa tháng qua vì vỏ máy thủy chính bị nứt. Ông Vương cho biết tàu này hạ thủy vào tháng 1, đầu tháng 2 tàu đi chuyến biển đầu tiên nhưng chừng 10 ngày thì hỏng nên phải quay vào bờ sửa chữa. Giữa tháng 4, tàu đi chuyến biển thứ hai lại tiếp tục gặp sự cố rồi nằm im đến nay.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều tàu vỏ thép mới đang neo ở cảng cá Đề Gi bị hư hỏng, chờ bảo hành. Phần lớn những tàu này đều do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng, gọi tắt là Công ty Nam Triệu) đóng mới.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết toàn xã hiện có 9 tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng thì đến nay tất cả đều bị hỏng hóc. “Chính quyền địa phương đã yêu cầu các ngư dân có tàu bị hư hỏng làm đơn trình bày sự việc để chúng tôi báo cáo lên cấp trên xem xét, giải quyết” - ông Tiến nói.
Thiết kế máy mới, cung ứng máy cũ?
Không riêng gì Công ty Nam Triệu, nhiều tàu cá vỏ thép mới của ngư dân các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng cũng xuất hiện tình trạng gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp nhanh. Tàu cá vỏ thép 811 CV, mang số hiệu BĐ 99567 TS, do ông Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi; ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) làm chủ là một ví dụ điển hình.
Theo ông Mạnh, tàu của ông được đóng với tổng kinh phí 15,2 tỉ đồng để hành nghề lưới vây. Thế nhưng, từ lúc hạ thủy vào tháng 8-2016 đến nay chỉ đánh bắt được 3 chuyến do hư hỏng thường xuyên. “Theo thiết kế, đơn vị đóng tàu cam kết dùng thép Hàn Quốc để đóng và máy chính hoàn toàn do Nhật sản xuất. Thế nhưng, trên thực tế, phần lớn vỏ thép của tàu tôi đều của Trung Quốc, còn máy thì đã qua sử dụng” - ông Mạnh bức xúc.
Ông Đinh Công Khánh cũng nói máy thủy chính được dùng cho tàu Khánh Đỏ là máy cũ, đã qua sử dụng, trong khi theo thiết kế thì đây là máy mới hoàn toàn. “Với mấy chục năm làm nghề, tôi tin chắc rằng không có chiếc máy mới nào do Nhật sản xuất mà vừa đưa vào sử dụng vài tháng đã hư hỏng nhiều như vậy” - ông Khánh khẳng định.
Tình trạng tàu vỏ thép mới vừa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng liên tục đã khiến nhiều ngư dân địa phương lâm vào cảnh nợ nần, không có khả năng trả tiền lãi vay ngân hàng. Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định, cho biết hiện có 11 ngư dân vay vốn các ngân hàng thương mại đóng tàu theo Nghị định 67/CP không trả nợ đúng hạn. Nếu bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, ngư dân sẽ không được nhà nước hỗ trợ lãi suất và sẽ càng khó khăn hơn nữa.
Khẩn trương sửa chữa tàu hỏng
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết hiện địa phương có 37 tàu cá vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/CP đi vào hoạt động. Trong số này, nhiều tàu bị trục trặc, hư hỏng về vỏ tàu, máy móc, thiết bị. Dự kiến trong hôm nay (5-5), sở sẽ mời chính quyền các địa phương, các chủ tàu, các doanh nghiệp đóng tàu, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) cùng kiểm tra, làm việc trực tiếp về việc bảo hành, sửa chữa từng trường hợp tàu cá bị hư hỏng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định, để ngư dân sử dụng khai thác thủy sản.
Bình luận (0)