icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Taxi Hà Nội, TPHCM đều tăng giá

Thế Kha - Nguyễn Hải

Nhiều công ty du lịch, công ty vận tải hàng hóa cũng tăng mức tour, cước vận chuyển từ 5% trở lên

Ngày 12-3, Hiệp hội Vận tải Taxi Hà Nội cho biết trong tuần này sẽ có nhiều hãng taxi tăng giá cước với mức từ 1.200-1.500 đồng/km. Đến nay, đã có khoảng 10 hãng taxi thông báo điều chỉnh giá cước.

“Tuýt còi” nếu tăng vô lý

Theo thông tin từ tổng đài hãng taxi Vạn Xuân, từ ngày 14-3, giá ban đầu tăng thêm 1.000 đồng, từ 10.500 đồng lên 11.500 đồng. Trong khi đại diện hãng taxi Hương Lúa cho biết khoảng một tuần nữa mới điều chỉnh giá cước, tăng thêm khoảng 700-800 đồng/km thì hãng taxi Mai Linh đã áp dụng giá cước mới từ ngày 11-3, thêm 1.000-1.500 đồng/km.

Cụ thể, đối với xe Matiz 4 chỗ, giá ban đầu vẫn là 10.000 đồng nhưng những km tiếp theo đến km 25 sẽ được tính 11.600 đồng/km; xe 4 chỗ Vios, giá sẽ là 14.000 đồng, những km tiếp theo cho đến km 25 được tính 13.800 đồng/km; đối với xe 7 chỗ, giá là 14.000 đồng, tiếp theo sẽ là 14.900 đồng/km.

img
Từ ngày 11-3, hãng taxi Vinasun đã áp dụng giá mới cho những xe được kiểm định đồng hồ tính cước. Ảnh: HỒNG THÚY
Trong khi đó, tổng đài hãng taxi CP Hà Nội - một trong 2 hãng taxi có nhiều đầu xe nhất ở Hà Nội - cho biết đến thời điểm này, chưa có chủ trương về việc điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, nếu khách hàng đi xe trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ thì phải chịu mức giá mới, tăng thêm khoảng 1.000-2.000 đồng/km. Cụ thể, đối với 30 km của xe 4 chỗ, cước sẽ tính 15.800 đồng/km; từ km 31 trở đi, giá là 12.000 đồng/km. Đối với xe 7 chỗ, 30 km đầu được tính 17.000 đồng/km, từ km 31 trở đi sẽ là 13.400 đồng/km.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho rằng cước taxi chỉ cần tăng khoảng 5%, tức 500 - 700 đồng/km là đủ bù đắp mức tăng của nhiên liệu.
Việc các hãng đề xuất tăng 1.000-2.000 đồng/km, tương đương tăng 10%-20%, là khó chấp nhận. “Theo quy định, sau khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải gửi thông báo bằng văn bản tới cơ quan quản lý giá, thuế địa phương; đồng thời thông báo cho khách hàng được biết trước khi chính thức tăng giá một tuần. Các cơ quan này cần giám sát chặt chẽ việc tăng giá của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nếu vô lý thì “tuýt còi” ngay” - ông Hùng nói.

Nhà xe lãi lớn?

Hiệp hội Taxi TPHCM cũng cho biết các hãng taxi đã thống nhất mức tăng giá cước từ 500 -1.500 đồng/km, tùy theo loại xe cũ hay mới. Từ ngày 11-3, các hãng Vinasun, Mai Linh… đã kiểm định lại đồng hồ tính cước taxi và áp dụng giá mới cho những xe được kiểm định. Tương tự, nhiều công ty du lịch, công ty vận tải hàng hóa cũng áp dụng mức tour, cước vận chuyển tăng từ 5% trở lên.

Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, đến thời điểm này, đã có một số đơn vị vận tải điều chỉnh mức cước tăng. “Tăng bao nhiêu thì chưa được các đơn vị thông báo vì đây là thương lượng giữa chủ xe và khách hàng” - ông Trung nói. Ông Trung cho biết Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM đã khuyến cáo các đơn vị vận tải chỉ nên tăng cước khoảng 3%.

Trong khi đó, ông Phan Hoàng Chi, Giám đốc Công ty Vận tải Tâm An (TPHCM), cho rằng việc giá dầu tăng 1.000 đồng/lít không ảnh hưởng đến hợp đồng với khách hàng vì trong hợp đồng có ghi điều khoản khi giá dầu tăng 10% mới điều chỉnh giá cước tương ứng. “Với bán kính 100 km, cộng thêm giá dầu tăng 1.000 đồng/lít thì cũng chỉ tăng thêm khoảng 100.000 đồng cho một chuyến xe, chưa ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào nên vẫn còn chịu đựng được” - ông Chi phân tích.  

Theo tính toán từ người tiêu dùng, giá xăng tăng 2.100 đồng/lít và cự ly 100 km taxi tiêu hao khoảng 8 lít xăng thì chi phí tăng thêm chỉ khoảng 16.800 đồng, trong khi đó, giá cước taxi tăng trung bình khoảng 1.000 đồng/km thì nhà xe lãi lớn.

Lý giải điều này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho rằng khoảng 2 tuần trước, các hãng taxi đã tính đến việc điều chỉnh giá cước tăng dưới 2.000 đồng/km do nhiều loại chi phí đầu vào tăng cao (quản lý, lãi vay ngân hàng…). Tuy nhiên, chưa kịp điều chỉnh thì ngày 7-3, giá xăng dầu tăng càng gây áp lực lớn lên doanh nghiệp kinh doanh taxi nên mức cước tăng từ 500  - 1.500 đồng/km là hợp lý.

Tiết giảm xăng dầu

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội, cho rằng việc tăng giá xăng dầu không làm cho các doanh nghiệp vận tải bất ngờ.
Về nguyên tắc, đối với kinh doanh vận tải, giá đầu vào tăng thì giá cước vận tải cũng tăng theo.
Tuy nhiên, vì giá xăng dầu nhập khẩu không ổn định, có thể còn biến động nên Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội đã khuyến cáo các hội viên phải hết sức tỉnh táo để đưa ra quyết định điều chỉnh giá cước một cách hợp lý.

Theo ông Liên, để chia sẻ với cộng đồng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chưa nên điều chỉnh giá cước mà phải có những biện pháp tiết giảm xăng dầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo