Động thái này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và các cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây ngoại cao cấp trở tay không kịp khi mùa cao điểm Tết đang tới gần.
Người tiêu dùng ưa chuộng
Ngày 19-12, khảo sát thị trường TP HCM cho thấy các loại trái cây có nguồn gốc từ Úc vẫn được bán khá nhiều, giá cao ngất ngưởng. Tại cửa hàng Fruistore (đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình), việt quất có giá 1,2 triệu đồng/kg, cherry 600.000 đồng/kg, đào trắng 350.000 đồng/kg, nho đỏ không hạt 350.000 đồng/kg, các mặt hàng khác loại rẻ nhất cũng có giá trên 200.000 đồng/kg.
Theo các siêu thị Maximark, Lotte Mart, cherry và táo Úc là những mặt hàng được tiêu thụ khá mạnh. Thống kê từ siêu thị Lotte Mart cho thấy vài tuần gần đây, doanh số các loại táo có xuất xứ từ Úc như Red Delicous, Gala đạt trên 95 triệu đồng/tuần trong khi táo Envy, Gala, Jazz có xuất xứ New Zealand doanh số chỉ từ 1-10 triệu đồng/tuần.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 11 tháng năm 2014, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 478 triệu USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ 2013. Trong các nguồn nhập khẩu rau quả vào Việt Nam, Úc đứng thứ 5 (sau Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Mỹ), chiếm 6% thị phần với kim ngạch 26,554 triệu USD.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Úc có tới 38 loại trái cây tươi được cho phép nhập khẩu vào Việt Nam như: anh đào (cherry), bơ, bưởi, cà chua, cam, chanh (3 loại), chuối, đào, dâu tây, đu đủ, dứa, dưa chuột, dưa hấu, hồng, kiwi, mận, mơ, na, nho, xoài, xuân đào, ớt chuông, quýt… Tuy nhiên, các mặt hàng phổ biến trên thị trường chỉ có cherry, nho, xuân đào, mận, dâu, lê, táo… là những mặt hàng cao cấp được giới có tiền ưa chuộng hoặc phục vụ cho nhu cầu biếu tặng.
Những năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên doanh trái cây nhập khẩu mà nguồn hàng từ Úc chiếm ưu thế nên thông tin về việc “đứt hàng” từ nguồn cung này khiến nhiều DN lo lắng.
Ông Bùi Ngọc Mân, đại diện cửa hàng trái cây nhập Fruistore (quận Tân Bình), cho biết do đặc thù là hàng cao cấp, nhập khẩu qua đường máy bay, không dùng hóa chất mà chỉ bảo quản bằng cách để trong kho lạnh nên thời gian sử dụng rất ngắn, do đó Tết này sẽ không còn nguồn hàng từ Úc để bán. “Khi biết tin, DN đã chủ động liên hệ với các nhà cung cấp khác từ Đức, Tây Ban Nha, Chile để tìm nguồn thay thế nhưng có một điều chắc chắn là giá sẽ cao hơn và việc kinh doanh không còn thuận lợi vì người tiêu dùng đã quen và tin vào hàng Úc” - ông Mân nói.
Theo thông lệ quốc tế
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 19-12, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận thông tin từ 1-1-2015, Việt Nam tạm dừng nhập khẩu toàn bộ trái cây tươi của Úc vì lý do nước này đang có dịch ruồi đục quả là đối tượng kiểm dịch của Việt Nam. Như vậy, Việt Nam ngưng nhập khẩu từ Úc là để bảo vệ sản xuất trong nước, ngăn dịch bệnh trên cây trồng chứ không phải vì lý do an toàn thực phẩm nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Hồng khẳng định quyết định này phù hợp với luật pháp Việt Nam, Úc cũng như thông lệ quốc tế và thuần vì lý do kiểm dịch, không vì lý do thương mại nên không lo việc Úc sẽ trả đũa, không nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Về phương diện quản lý, ông Hồng cho rằng quyết định này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước do có nhiều nguồn hàng thay thế từ Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Chile…
“Thực tế là chúng tôi đã ngưng cấp phép nhập khẩu trái cây tươi của Úc từ trước, còn thông báo chính thức gửi đến DN từ đầu tháng 11 (trước 60 ngày) là để giải quyết các đơn hàng dang dở và những lô hàng này sẽ được tăng cường tần suất kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho cây trồng chứ không phải ra thời hạn 2 tháng để DN ồ ạt nhập khẩu trước thời hạn” - ông Hồng giải thích.
Về việc Tết này thị trường sẽ không còn trái cây Úc, ông Hồng cho rằng nếu cận ngày 1-1-2015 có những lô hàng lớn về và được bảo quản tốt (trong kho lạnh nhiệt độ thích hợp từ 1-5 độ C thì có thể giữ được 6 - 10 tháng) thì vẫn có hàng. Đồng thời, thông báo này chỉ là “tạm ngưng” nên nếu phía Úc kiểm soát được dịch bệnh thì việc giao thương có thể sớm bình thường trở lại.
Thiếu thông tin chính thức
Trao đổi với chúng tôi, nhiều DN, nhà phân phối, thậm chí là lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam hết sức bất ngờ về thông tin Việt Nam tạm ngưng nhập khẩu trái cây từ Úc. Một số DN nhập khẩu thì nói rằng họ chỉ nhận được thông báo miệng hoặc các nguồn không chính thức nên vẫn chờ văn bản từ phía cơ quan quản lý. Vì thế, sẽ có những DN biết sớm, chuẩn bị hàng đợi Tết trong khi những DN còn lại trở tay không kịp.
Bình luận (0)