Theo Quy định chống phá rừng (EUDR) do Liên minh châu Âu (EU) ban hành, dự kiến có hiệu lực từ tháng 12-2024, các mặt hàng gồm: gia súc, ca cao, cà phê, cọ và dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ nhập khẩu các nước EU phải giải trình nguồn gốc nhằm ngăn chặn những hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng.
Ảnh hưởng lớn tới cà phê
EU là thị trường lớn của nông sản Việt Nam nên chúng ta rất cần sự chuẩn bị để tránh gián đoạn thương mại. Ngoài ra, EU cũng thường là thị trường tiên phong trong việc đưa ra những quy định mới, sau đó các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản… cũng sẽ áp dụng và trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EUDR tác động trực tiếp 3 ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam là cà phê, cao su, gỗ - lâm sản. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là ngành cà phê bởi tỉ trọng xuất khẩu sang EU lớn. Thách thức lớn nhất là Việt Nam sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ lẻ nên định vị từng vườn trồng, truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Ngành cà phê Việt Nam có tỉ trọng xuất khẩu sang EU lớn. Ảnh: AN NA
Dù vậy, Việt Nam cũng có cơ hội lớn cho các ngành hàng cấu trúc lại, đi đến phát triển bền vững. Khi Việt Nam thực hiện tốt các quy định, nông sản xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, sẽ có giá cao hơn vì người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm các sản phẩm có nguồn gốc xanh, bền vững.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thuận lợi là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc từ năm 2017, trong khi theo EUDR, cột mốc thời gian các nông - lâm sản xuất khẩu sang EU phải chứng minh không liên quan đến phá rừng là sau ngày 31-12-2020. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết diện tích trồng cà phê của Việt Nam khoảng 680.000 ha, đã ổn định từ trước năm 2000. Nguy cơ phá rừng từ sau năm 2020 để trồng cà phê là rất ít. Tuy vậy, đầu năm 2023, giá cà phê lên mức lịch sử, tới 70.000 đồng/kg, đặt ra nguy cơ người dân mở rộng trồng cà phê trên diện tích có rủi ro về phá rừng, đặc biệt là khu vực ven rừng. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu hộ trồng cà phê, diện tích bình quân chỉ 0,5 ha/hộ nên khó khăn về việc truy xuất nguồn gốc trên từng mảnh vườn theo quy định mới. Do đó, rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước mới có hệ thống thông tin để xác nhận nguồn gốc.
Chủ động thích ứng
Đối với ngành cao su, EU được xác định là thị trường trọng điểm. Năm 2022, xuất khẩu cao su thiên nhiên sang EU đạt gần 122 triệu USD, sản phẩm cao su gần 449 triệu USD và gỗ cao su là 51,4 triệu USD. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho rằng việc thích ứng với EUDR sẽ là tiền đề để các ngành hàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, đa dạng thị trường xuất khẩu và đạt giá trị gia tăng cao. Do đó, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần có hệ thống theo dõi để bảo đảm nông sản được sản xuất không liên quan đến mất rừng trong chuỗi cung ứng.
Việc cần làm hiện nay là nhà nước có giải pháp phối hợp, kết nối các hệ thống và khuôn khổ chính sách với các quy định của EU, cũng như cách thức cải thiện các hệ thống một cách hiệu quả. Các bên liên quan như nhà sản xuất, công ty thương mại, các tổ chức tài chính cần nỗ lực hơn với vai trò của mình trong định hình thị trường cũng như sản xuất bền vững và có trách nhiệm, từ đó sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững. "Các hộ trồng cao su tiểu điền sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất nếu các quy định của EU được áp dụng, do quá trình thẩm định nghiêm ngặt và tốn kém. Vì vậy, cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ và bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương này. Bên cạnh đó, các bên liên quan trong ngành cũng nên tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế nhằm ứng dụng hoặc phát triển các công cụ truy xuất nguồn gốc, lập bản đồ chuỗi cung ứng, đánh giá rủi ro, thiết lập bản đồ số để thích ứng với quy định. Đồng thời, các bộ, ngành, tham tán thương mại kiến nghị tới các cơ quan của EU nhanh chóng thực hiện đánh giá rủi ro và ban hành hướng dẫn chi tiết nhằm hỗ trợ các nước xuất khẩu thích ứng với quy định mới" - Chủ tịch VRA đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho rằng EUDR sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của ngành sang thị trường này. Ngoài lý do Việt Nam đã "đóng cửa rừng" từ 2017 thì từ năm 2018, Việt Nam và EU đã ký kết hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 để quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. "Lâu nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ sang EU đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường này nên không gặp trở ngại khi EU áp dụng quy định mới. Tuy nhiên, DN sẽ phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc gỗ và chứng minh nguồn gốc đó khi bán hàng vào EU" - ông Phương nêu.
Đại diện HAWA thông tin ngành xuất khẩu sang EU khoảng 645 triệu USD trong năm 2022, chủ yếu là những mặt hàng có giá trị cao như đồ nội và ngoại thất. Đến nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và HAWA… đã phổ biến cho các DN biết về quy định mới của EU.
Chuyển đổi sinh kế cho người dân
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, đối với các vùng trồng của người dân bị tác động bởi quy định mới sẽ có phương án để họ chuyển đổi sinh kế, như trồng cây dưới tán rừng. Việt Nam không chỉ bảo vệ mà còn tăng diện tích rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Mới đây, Tập đoàn Nestlé công bố dự án "Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông - lâm kết hợp" tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây xanh đến năm 2027.
Ông Tuấn đánh giá sáng kiến này vượt cả yêu cầu của EU khi không chỉ bảo vệ mà còn trồng thêm rừng. Người trồng cà phê vừa có thêm thu nhập vừa bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Bình luận (0)