Áp lực tín dụng ngoại tệ
Trong 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng (NH) rất cao. Năm 2010, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lên tới 49,3%, trong khi tín dụng VNĐ chỉ tăng 25,3%. Đến ngày 10-6, tín dụng VNĐ chỉ tăng 2,6%, còn dư nợ cho vay ngoại tệ đã tăng 22,21% cho dù NH Nhà nước đã thu hẹp đối tượng vay vốn bằng ngoại tệ theo hướng bên vay phải chứng minh phương án trả nợ từ nguồn thu xuất khẩu hoặc mua ngoại tệ của NH.
Thời gian gần đây, tỉ giá USD khá ổn định nhưng không thể chủ quan. Ảnh: HỒNG THÚY
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân của tình trạng tín dụng ngoại tệ tăng nhanh một phần là do chính sách tiền tệ thắt chặt. DN khó tiếp cận nguồn vốn VNĐ nên chuyển sang vay USD, rồi bán cho NH lấy VNĐ để có vốn sản xuất, kinh doanh. Do lãi suất vay vốn bằng USD bình quân 6,4%/năm, trong khi lãi suất vay vốn bằng VNĐ bình quân là 18,74%/năm (chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD hơn 12%/năm) nên DN thường chọn vay ngoại tệ, thời hạn vay 3-6 tháng. Do đó, thời điểm trả nợ sẽ rơi vào cuối quý III và quý IV/2011, DN phải mua USD để trả nợ NH. Giá trị ngoại tệ đã vay càng lớn thì nhu cầu mua ngoại tệ trả nợ càng cao sẽ gây áp lực cho tỉ giá...
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, NH Nhà nước cần cảnh giác với nguy cơ biến động tỉ giá vào cuối năm. Việc DN vay USD rồi bán khiến nguồn cung ảo USD trên thị trường gia tăng. Tuy nhiên, đến cuối năm, khi các khoản vay này đến hạn thanh toán thì lượng cung ảo trên sẽ trở thành cầu thật.
Đối mặt với nhập siêu
Một yếu tố quan trọng khác là tình hình nhập siêu của Việt Nam vẫn ở mức cao, đặc biệt là tốc độ nhập khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh, làm cán cân thương mại thêm mất cân đối, tạo điều kiện cho tỉ giá đi lên. Số liệu thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2011,Việt Nam nhập khẩu khoảng 48,9 tỉ USD, xuất khẩu 42,3 tỉ USD (trong đó tái xuất vàng là 941 triệu USD), tính ra nhập siêu 6,6 tỉ USD. Kim ngạch nhập khẩu của các DN trong nước khoảng 27,6 tỉ USD, tăng 22,9%; còn khối FDI nhập khẩu 21,4 tỉ USD, tăng 29,7%. Một số đơn vị FDI đã tận dụng quyền phân phối theo cam kết WTO, nhập khẩu hàng hóa từ công ty mẹ để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, thậm chí có DN thu hẹp sản xuất tại Việt Nam, tập trung nhiều hơn cho hoạt động thương mại (chủ yếu nhập hàng về bán).
Trao đổi với báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu của khối FDI Việt Nam là vấn đề đáng quan tâm vì thị phần của các đơn vị này trong lĩnh vực vận tải, máy móc thiết bị, công nghiệp và mặt hàng chế biến chiếm tới 80%-90%. Ông Biên cho biết: Bộ Công Thương đã có kế hoạch làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư phân cấp quản lý đối với DN FDI theo hướng địa phương quản lý. Mục tiêu của Chính phủ là không khuyến khích DN FDI đầu tư vào phi sản xuất vì không tạo ra hàng hóa, ngoại tệ phục vụ cho việc bình ổn kinh tế vĩ mô.
Tỉ giá VNĐ/ USD không biến động nhiều Standard Chartered Bank, ANZ Bank dự báo tỉ giá VNĐ/USD sẽ ở mức 20.600 đồng vào cuối quý III/2011. Tập đoàn Tài chính Credit Suisse cho rằng tỉ giá VNĐ/USD chỉ leo lên 20.900 đồng/USD vào quý IV/2011. Còn HSBC dự báo tỉ giá VNĐ/USD sẽ đứng ở mức 21.500 đồng/USD trong quý III/2011...
Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế trong nước nhận định tỉ giá VNĐ/USD từ nay đến cuối năm biến động không nhiều bởi các chính sách tiền tệ của Chính phủ ngày càng phát huy tác dụng. Từ nguồn thu xuất khẩu, các tập đoàn dầu khí, than và khoáng sản, cao su và hàng loạt tổng công ty Nhà nước, DN có 50% vốn Nhà nước sẽ bán hàng tỉ USD cho NH, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ không nhỏ cho thị trường. Thị trường không còn hiện tượng người dân đổ xô mua vàng hay USD như năm 2008-2009 thường làm cho tỉ giá leo thang… Nếu NH Nhà nước tiếp tục có nhiều động thái can thiệp thị trường cũng như kiểm soát tốt tín dụng ngoại tệ… thì tỉ giá sẽ ổn định dưới 21.000 đồng/USD. |
Bình luận (0)