Thế nhưng, có thể thực trạng này là dịp để ngành dầu khí thay đổi cách thức hoạt động, ứng phó với mọi thách thức của thị trường.
Năm 2019, doanh thu của ngành dầu khí nước ta đạt gần 5 tỉ USD gắn liền với mức giá bình quân 60 USD/thùng. Như vậy, nếu trong năm 2020, sản lượng khai thác của PVN không thay đổi, giá dầu thô bình quân trên thị trường quốc tế xuống còn 25 USD/thùng thì ngành dầu khí giảm thu khoảng 3 tỉ USD.
Do quy mô nền kinh tế (GDP) Việt Nam là 280 tỉ USD, số thu từ dầu thô luôn được tính vào nguồn thu ngân sách nên khi ngành dầu khí giảm thu 3 tỉ USD, đồng nghĩa GDP nước ta giảm với con số tương ứng (khoảng 1%). Tuy nhiên, việc sụt giảm này là do dịch bệnh làm cho mọi hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa, hành khách khựng lại, dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu thấp, khiến giá dầu thô ồ ạt giảm.
Trong khi sức ép giảm giá dầu thô vẫn đè nặng PVN, Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga công bố gia tăng sản lượng sản xuất trong thời gian tới, tiếp tục giáng một đòn mạnh vào thị trường, khiến giá dầu liên tục sụt giảm. Thậm chí, có dự báo cho rằng nếu tình hình Covid-19 diễn biến thiếu tích cực, giá dầu thô thế giới có thể giảm xuống mức dưới 20 USD/thùng.
Nhiều năm trước, khi giá dầu leo thang, các đối tác nước ngoài thường gây áp lực với PVN tăng giá thuê giàn khoan, tiền lương cho các chuyên gia dầu mỏ.... Lúc đó, PVN phải chấp nhận vì với các chi phí này, việc khai thác dầu vẫn sinh lời. Thế nhưng, tại thời điểm này, giá dầu đã giảm mạnh song các chi phí phải trả cho đối tác nước ngoài không thay đổi, chắc chắn giá thành sản phẩm của PVN sẽ cao hơn giá thị trường và nếu tiếp tục xuất khẩu dầu thô thì có thể dẫn đến thua lỗ. Do đó, giải pháp trước mắt là PVN nên đàm phán đối tác nước ngoài giảm các chi phí liên quan, đồng thời chọn lọc một số mỏ dầu có điều kiện thuận lợi để tiết giảm chi phí khai thác, sớm giảm giá thành sản phẩm.
Một giải pháp khác là PVN có thể khai thác để dành cho tương lai nhưng liệu kho dự trữ có đủ sức chứa sản lượng khai thác? Khi không còn khả năng chứa, ngành dầu khí buộc phải tạm dừng khai thác. Theo đó, một số thiết bị thuê mướn sẽ ngưng hoạt động; các chuyên gia, người lao động trong ngành phải tạm nghỉ nhưng ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả tiền lương, tiền thuê thiết bị máy móc.
Câu hỏi đặt ra, PVN làm gì để bù đắp khoản ngân sách đã bỏ ra? Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, ngành dầu khí hạn chế hoặc tạm ngưng khai thác thì PVN có thể tranh thủ đội ngũ chuyên gia của mình để nghiên cứu, dự báo xu hướng của giá dầu. Bởi hiện nay trên thị trường thế giới luôn có phương thức mua - bán dầu thô theo hợp đồng tương lai. Giả sử PVN dự báo giá dầu sẽ đi lên trong tương lai thì ngay thời điểm này, PVN có thể mua vào rồi chọn thời điểm phù hợp để bán ra, đem lại nguồn thu không nhỏ đề bù đắp một phần chi phí cho ngân sách. Mặt khác, PVN cần mua bảo hiểm cho mỗi giao dịch dầu tương lai để phòng ngừa rủi ro khi giá dầu biến động ngược chiều với dự báo, có thể dẫn đến thua lỗ, ảnh hưởng không tốt đến ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)