xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thách thức và cơ hội từ TPP

THY THƠ thực hiện

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - để kinh tế hái được quả ngọt khi tham gia TPP cũng như hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam cần có những bước đi dài hạn

Phóng viên: Thưa ông, việc Việt Nam đã và sắp ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) - đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ ký kết để xác thực lời văn vào hôm nay (4-2) - mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức đối với nền kinh tế?

img 

- PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Chúng ta đã ký nhiều FTA với các quốc gia trên thế giới. Mới nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và tới đây là TPP, đang tạo ra thời cơ mới cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Trong đó, các DN dệt may, da giày có nhiều lợi thế nhất.

Các thị trường ASEAN với 630 triệu dân, Liên minh châu Âu (EU) 500 triệu dân; đặc biệt là thị trường tại 12 quốc gia tham gia TPP khoảng 800 triệu dân là mảnh đất thích hợp cho các sản phẩm nước ta thâm nhập. Tuy nhiên, các thị trường như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Mexico, Chile… rất năng động và khó tính. Trong khi đó, sản phẩm của nước ta chưa đủ sức cạnh tranh với hàng hóa của nhiều quốc gia khác.

Do đó, nhiệm vụ hàng đầu là làm thế nào để nâng cao năng lực DN, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh bền vững. Để làm được điều này, Chính phủ cần tạo lập cho DN niềm tin đầu tư dài hạn. Ngoài cơ chế hỗ trợ về hành chính, xúc tiến thương mại, đầu tư, Chính phủ nên sớm ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đối với DN đầu tư vào công nghệ, thiết bị, máy móc giống như TP HCM đang triển khai.

Một trong 6 nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra là nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vậy theo ông, phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ này?

- Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng và đã thoát nghèo. Thu nhập bình quân của người dân tăng hơn 20 lần, từ hơn 100 USD lên 2.109 USD. Trong 5 năm gần đây, từ tình trạng bất ổn, kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát từ 18% (năm 2011) xuống còn dưới 1%, kinh tế tăng trưởng hợp lý, bình quân 5,9%... Nhưng nhìn chung, kinh tế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững, nợ công còn cao, năng lực cạnh tranh còn yếu… Do đó, trong thời gian tới, nền kinh tế cần được vận hành một cách đầy đủ và đồng bộ theo các quy luật thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo.

 

Ngành dệt may được hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia nhập TPP nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách Ảnh: Tấn Thạnh
Ngành dệt may được hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia nhập TPP nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách Ảnh: Tấn Thạnh

 

Năm 2016, nhiều bộ luật quan trọng sẽ đi vào cuộc sống, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý vốn nhà nước, Luật Đầu tư công… tạo điều kiện cho việc thu ngân sách hiệu quả. Khi đó, việc sử dụng vốn của các DN nhà nước, đầu tư công… sẽ hiệu quả hơn. Từ đó, kinh tế tăng trưởng cao, kéo tỉ lệ nợ công giảm xuống.

Để kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm tới 6,5%-7%/năm và đưa thu nhập bình quân của người dân đạt 3.200-3.500 USD, đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp DN tự do kinh doanh trong phạm vi pháp luật cho phép, bảo đảm cho các thị trường bất động sản, bảo hiểm, tiền tệ, tài chính, mua bán nợ, lao động chất lượng cao, dịch vụ công, khoa học công nghệ… hoạt động một cách thông thoáng.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta nên giảm tỉ lệ đầu tư công nhưng phải tăng hiệu quả để khuyến khích đầu tư ở khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, tiếp tục tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty, cổ phần hóa DN nhà nước... Đặc biệt, tiền thu được từ việc cổ phần hóa DN phải tái đầu tư hiệu quả nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Bởi lẽ, thực tế cho thấy trong 5 năm qua, nguồn thu của các DN nhà nước ngày càng tăng, đóng góp cho ngân sách 50.000 tỉ đồng (chưa kể số tiền từ thặng dư bán cổ phần).

Còn nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả?

- Thủ tục hành chính là một rào cản lớn của nền kinh tế. Nếu nợ xấu ngân hàng là điểm nghẽn đã được giải quyết từng phần thì điểm nghẽn mới là bộ máy hành chính thiếu chuyên nghiệp, chưa gần gũi với người dân… Ngoài yếu tố về nhân lực, nguyên nhân chính là do cơ chế, đạo đức của một số cán bộ, công chức, viên chức bộ máy hành chính công.

Nhiều năm qua, việc chi thường xuyên cho bộ máy hành chính ngày càng tăng nhưng hiệu quả chưa tương thích. Điều này đòi hỏi bộ máy chính quyền, dịch vụ công cần phải được tự động hóa. Mặt khác, cán bộ, công chức cần ý thức phục vụ DN, người dân chính là phục vụ cho người đã đóng thuế nuôi dưỡng bộ máy hành chính. Nghĩa là bộ máy của địa phương nào thu hút nhiều DN sản xuất, kinh doanh, thu được nhiều tiền thuế thì được định biên nhiều lao động với mức lương cao. Ngoài ra, người đứng đầu các cấp chính quyền cần được trao quyền hạn tinh giản, tinh gọn bộ máy, xử lý cán bộ vi phạm phải nghỉ việc. Ngược lại, họ phải chịu trách nhiệm trước người dân về các quyết định và tính hiệu quả của bộ máy hành chính tại địa phương mình.

Ông kỳ vọng gì cho kinh tế Việt Nam trong năm 2016 và các năm tiếp theo?

- Năm 2015, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá cao và với tốc độ này thì năm 2016 tiếp tục tăng trưởng tốt. Để kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong các năm tới, chúng ta cần phải có quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục cải cách nhiều hơn nữa về thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết của đại hội Đảng lần thứ XII đi vào cuộc sống…

 

Bộ Công Thương ngày 3-2 cho biết theo thống nhất của những nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP, lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP diễn ra vào hôm nay (4-2) tại Auckland - New Zealand. Sau đó, hiệp định sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu tham gia lễ ký này.

Nhiều cơ hội sẽ mở ra cho Việt Nam khi tham gia sân chơi chung của các nước TPP với tổng giá trị chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu và đóng góp cho GDP thế giới gần 300 tỉ USD/năm.

P.Nhung

 

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú:

Lợi thế nhờ chuỗi cung ứng khép kín

 

img

 

Để tận dụng được lợi thế từ TPP, các DN dệt may Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (yarn-forward). Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), cả nước có khoảng 4.000 DN dệt may, trong đó có 650 DN nước ngoài. Cũng trong số này, DN may chiếm 70%, dệt chiếm 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4%, phụ trợ 3%. Những con số này cho thấy Việt Nam đang rất mạnh trong khâu cuối cắt - may; còn đối với lĩnh vực kéo sợi, dệt, nhuộm lại thiếu sự đầu tư tương xứng. Đây là bài toán khó cho nhiều DN dệt may trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, nguồn cung nguyên phụ liệu đang lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Riêng Phong Phú, nhờ lợi thế có chuỗi cung ứng khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may nên có sự chủ động về nguồn cung nguyên liệu giúp chúng tôi có thể tận dụng được TPP tốt hơn. Năm nay, Phong Phú tiếp tục củng cố phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống và tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở thêm những thị trường mới trong TPP như Úc, Singapore, Canada. Đồng thời, DN cũng tăng cường liên kết chặt chẽ với các công ty may mặc trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam và một số DN may mặc khác nhằm tạo thành một chuỗi cung ứng.

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op:

Sức ép lớn với ngành bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất lớn. Hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập DN bán lẻ thời gian qua và sắp tới là thương vụ Big C (tập đoàn Casino lên tiếng sẽ bán lại Big C Việt Nam) sẽ làm thay đổi bức tranh bán lẻ. Việt Nam gia nhập TPP, sức ép cạnh tranh càng lớn hơn. Nhìn trên bình diện tổng thể, cuộc cạnh tranh này thật sự rất khó khăn cho các DN bán lẻ trong nước, đặc biệt là Saigon Co.op.

Làm sao để giữ vững được thị phần, bảo vệ danh hiệu nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là nỗi lo thường trực của ban lãnh đạo Saigon Co.op. Trong năm 2016, chúng tôi sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ. Mục tiêu sắp tới là sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát triển một số mô hình bán lẻ mới dành cho phân khúc khách hàng cao cấp và mở rộng mạng lưới cửa hàng nhỏ. Song song đó, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả các hoạt động của Co.opmart; nâng cao hiệu quả của bộ máy, tập trung quản trị các rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin, bảo vệ dữ liệu, phân tích dữ liệu để đưa vào các quyết định; tăng cường chiến lược nhân sự. Cuối cùng là xây dựng một chiến lược tài chính để phát huy tốt nhất tiềm năng của Saigon Co.op.

Ngoài ra, trong năm 2016, Saigon Co.op sẽ triển khai dự án liên kết với một số tỉnh, thành hình thành các vùng nuôi trồng. Chúng tôi sẽ giám sát quy trình sản xuất để có sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng đồng thời hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông dân; hướng tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản. Trước mắt, Saigon Co.op đã làm việc với một số tỉnh, thành ở miền Tây như Cần Thơ, Vĩnh Long; sắp tới sẽ làm việc với một số địa phương nữa.

T.Phương - T.Nhân ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo