Nhiều người đang “cắn răng” chịu đựng chi phí vay vốn bởi ngân hàng (NH) liên tục điều chỉnh lãi suất theo hướng đi lên. Mặt khác, nhu cầu vay vốn cực thấp nhưng lãi suất vẫn tăng là một nghịch lý trên thị trường tiền tệ.
Ngân hàng phải bảo đảm có lãi
Từ đầu tuần này, thị trường cho vay đối với khách hàng cá nhân đang chứng kiến một sự “bùng nổ” lãi suất bất chấp quy luật cung - cầu. Một loạt NH thương mại điều chỉnh lãi suất cho vay cá nhân từ mức phổ biến 18%-20%/năm lên 21%-23%/năm, thậm chí có nơi lên đến 25%. Nhiều khách hàng chưa kịp trả nợ cũ, nay phải “chóng mặt” với lãi suất mới.
Theo TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng Khoa Tài chính – NH Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), việc NH điều chỉnh lãi suất cho vay 3 tháng/lần là đúng luật, phù hợp với cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận. Tuy nhiên, nguyên tắc điều chỉnh lãi suất phải được thể hiện trong hợp đồng vay vốn, bảo đảm công bằng cho người vay tiền lẫn NH, tức là khi mặt bằng lãi suất đầu vào tăng thì NH tăng lãi suất cho vay tương ứng và ngược lại. Thế nhưng, việc NH điều chỉnh lãi suất lên hay xuống thường là có lợi cho NH.
Khách hàng đến ngân hàng gửi tiết kiệm. Ảnh: Hồng Thúy
Phía các NH thì lý giải đó là sự điều chỉnh tất yếu vì vốn đầu vào của NH cũng đã cao ngất ngưởng. Thêm vào đó, NH Nhà nước liên tục ra các quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, cho vay qua đêm... Do vậy, NH buộc phải tăng lãi suất để bù đắp chi phí…
Thanh khoản có vấn đề
Nhìn nhận hiện tượng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thanh khoản NH đang có vấn đề. Các năm trước, một số NH thương mại đã ồ ạt cho vay, nhất là cho vay bất động sản nhưng đến nay vẫn không thu hồi được nợ, buộc phải đẩy lãi suất đầu vào lên cao, giành giật vốn. Các NH lớn cũng phải lao theo cuộc đua lãi suất nếu không người gửi tiền sẽ ra đi, làm xáo trộn nguồn vốn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Từ đó, lãi suất đầu vào lẫn đầu ra liên tục leo thang và đối tượng gánh chịu là người đã lỡ vay tiền từ NH.
Hiện hầu hết các NH huy động vốn với lãi suất từ 15%-18%/năm, cộng với chi phí kinh doanh khoảng 3%, tính ra lãi suất cho vay phổ biến 18%-21%/năm. Trong khi đó, toàn bộ người gửi tiền tập trung gửi theo kỳ hạn 1-3 tháng nên NH thường điều chỉnh lãi suất cho vay 3 tháng/lần. Điều đáng nói hiện nay là dư nợ cho vay toàn hệ thống NH tăng không đáng kể nhưng lãi suất vẫn cứ tăng. Điều này cho thấy lãi suất tăng không phát xuất từ nhu cầu vốn của nền kinh tế mà nguyên nhân chính là nhiều NH thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
Do vậy, để bảo vệ mình, khách hàng nên tham khảo kỹ hợp đồng, thận trọng khi quyết định vay vốn ở thời điểm này.
Bình luận (0)