Mấy ai biết được rằng nghề hấp cá ở làng chài ven biển Cà Ná cũng lắm phen thăng trầm, ngọt - đắng…
Không dễ ăn!
Tháng 5, đang vụ cá Nam, là làng chài “đệ nhất thuyền nghề” của Ninh Thuận nên Cà Ná vào những ngày này rất sôi động, ghe thuyền tấp nập đi - về trên bến cảng. Những lò hấp cá cũng thế, tất bật chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Chị Sáu Thi, chủ của 2 lò hấp cá, cho biết: “Muốn có cá tươi nguyên liệu để hấp, tôi phải tranh thủ ra bến cảng từ sáng sớm để đón ghe tàu. Để có được một cơ sở hấp cá hoàn chỉnh phải đầu tư ít nhất 70-80 triệu đồng. Trong đó, phần xây lò và mua sắm vỉ để phơi cá chiếm khoảng 60% vốn, còn lại dùng để mua nguyên liệu hằng ngày và chi phí nhân công”.
Ông Châu, người được giới hấp cá ở Cà Ná đánh giá là “đệ nhất tay nghề” với hơn 15 năm kinh nghiệm, khẳng định: “Nghề hấp cá cơm mới tìm hiểu tưởng đơn giản nhưng có bắt tay vào việc mới thấy không dễ ăn”.
Theo ông, để có được mẻ cá hấp đạt chất lượng, chủ lò phải chọn mua loại thật tươi, đem về ướp muối khoảng 1 giờ cho thịt cá săn chắc, sau đó vớt ra, rửa sạch, xếp lên vỉ, cho vào lò hấp. “Công đoạn này mới khó vì phải canh lửa sao cho cá vừa chín, không bị nứt, thương lái khỏi chê” - ông Châu giải thích. Sau khi cá chín thì mang ra phơi khô dưới nắng gắt từ 7-8 giờ là có cá hấp thành phẩm.
Trong chuyện hấp cá, các chủ lò cho biết việc thuê mướn nhân công cũng không dễ. Trung bình mỗi lò hấp cá cần 12-15 người. “Vào vụ chính, từ đầu tháng 5 đến khoảng cuối tháng 9, lao động địa phương không đủ cung ứng, tụi tôi phải thuê lao động từ TP Phan Rang - Tháp Chàm vào” - bà Hồng, một chủ lò khác, cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi phụ nữ làm ở lò hấp cá được trả khoảng 150.000-170.000 đồng/ngày, nam 200.000 đồng/ngày, chủ bao ăn ở. Tiền công của “kỹ thuật viên hấp cá” cao hơn ít nhất 70%.
Trăm mối lo
Nghề hấp cá cơm ở Cà Ná bắt đầu từ khoảng năm 1996. Với gần 70% trong số trên 400 tàu thuyền được trang bị lưới rút để đánh bắt cá cơm, sản lượng của địa phương này xấp xỉ 15.000 tấn/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để nghề hấp cá ở Cà Ná phát triển.
Ông Phan Ngọc Anh - Chủ tịch UBND xã Cà Ná, huyện Thuận Nam - cho biết những năm 2000-2002 là giai đoạn cao điểm của nghề này, toàn xã có gần 100 lò. Cá hấp thành phẩm được đóng gói, bán cho thương lái với giá 50.000-55.000 đồng/kg (tùy loại lớn, nhỏ).
Theo anh Lành, chủ của 3 lò hấp cá, lò có quy mô trung bình có thể xuất 3-3,5 tạ cá/ngày, với số cá tươi nguyên liệu khoảng trên dưới 7 tạ. “Chỉ cần bán ra hơn 2 tạ/ngày, có thể kiếm lãi hơn triệu đồng” - anh Lành khẳng định. Nhưng đó là chuyện của chục năm trước.
Bà Mười Thanh, gần 12 năm trong nghề, cho biết do không có nhà máy thu mua sản phẩm nên bà con tự xoay xở đầu ra, rất khó khăn. Mấy năm trước, hàng chục chủ lò đã giải nghệ chuyển sang làm nước mắm hoặc phơi cá khô. Hiện Cà Ná chỉ còn trên dưới 60 lò hấp cá cơm nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi năm vài ba tháng vì nguyên liệu cá tươi cũng ít hơn.
“Vả lại, cá sau khi hấp thành phẩm, khoảng 10 ngày là ngả màu vàng, không còn đẹp mắt. Nhiều thương lái đã lợi dụng việc này để ép giá, mình cũng phải bán. Thậm chí, họ đóng hàng rồi neo tiền mười bữa nửa tháng cũng đành chịu…” - một chủ lò ở Cà Ná tâm sự.
Theo những chủ lò hấp cá ở Cà Ná, phải chi tỉnh Ninh Thuận có kế hoạch tìm đầu ra cho sản phẩm này thì nghề hấp cá sẽ hấp dẫn hơn và những người “thợ hấp”, nhân công ở các lò phần nào cũng bớt cái vị mặn phận nghề. Đây là mong mỏi của rất nhiều người dân làm nghề hấp cá ở Cà Ná lúc này.
Bình luận (0)