Những tháng năm “đêm trước Đổi mới”, TP HCM nguy nan, cả nước cũng nguy khốn. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Sài Gòn phải ăn cơm độn bo bo, bột mì và khoai sắn. Chính quyền thành phố phải chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu dân. Có cô giáo đứng giảng bài mà đói xỉu. Tình hình hết sức gay gắt, nhà máy sản xuất cầm chừng theo kế hoạch của trung ương. Gần như ở trên nói thế nào thì ở dưới chỉ răm rắp làm theo. Sản xuất theo kế hoạch nên mới có chuyện “bán như cho, mua như cướp”, thiếu việc làm nghiêm trọng, giá cả đắt đỏ, trẻ em suy dinh dưỡng, thuốc trị bệnh thiếu thốn, lạm phát tăng phi mã (đến 700%-800%)... Hệ lụy là quần chúng hoang mang, công nhân viên chức bỏ cơ quan và bùng nổ làn sóng “thuyền nhân” đi vượt biên, di tản... Thật xót xa!
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, kể lại với phóng viên Báo Người Lao Động về những năm tháng TP HCM “xé rào”, đổi mới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đội ngũ lãnh đạo TP HCM khi ấy hết sức trăn trở, ray rứt. Phải xoay trở tình hình cách nào đây? Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã đích thân xuống tận nơi tìm hiểu vì sao các nhà máy đình đốn, không sản xuất được và vỡ lẽ ra là do không có vật tư, nguyên - nhiên liệu (trung ương phân bổ theo kế hoạch rất ít). Nhà máy thừa công suất còn công nhân thì thiếu việc làm. Ông Kiệt hỏi nếu có vật tư, nguyên - nhiên liệu, anh em có làm được không? Ai ai cũng rất mừng, nói nhất định làm được! Thế là lãnh đạo thành phố chủ trương huy động vốn trong dân. Ai có tiền cho chính quyền vay tiền, có vàng cho vay vàng để nhập vải, sợi, sắt thép, nhựa... Từ cách làm đó, thành phố ra đời “Kế hoạch B”, “Kế hoạch C” sau khi thực hiện “Kế hoạch A” của trung ương.
Làm theo “Kế hoạch B”, “Kế hoạch C”, khi nhà máy khấu hao hết chi phí, bảo đảm tăng thêm lương cho công nhân - lao động và thực hiện nghĩa vụ thuế xong, thành phố mới thu sản phẩm, đem đổi lấy nông sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu thu đô-la rồi tiếp tục nhập vật tư, nguyên - nhiên liệu về cho các nhà máy. Cứ như thế, guồng máy quay vòng từ sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu đã đẩy nền kinh tế bắt đầu chuyển động đi lên.
TP HCM báo cáo trung ương những kết quả tích cực đó. Vì tình hình kinh tế đất nước lúc bấy giờ quá khó khăn, trì trệ nên trung ương phải quan tâm xem xét, nghiên cứu lại thực tiễn. Thế là trung ương tổ chức gặp các doanh nghiệp TP HCM đã thực hiện “Kế hoạch B”, “Kế hoạch C”. Hỏi cặn kẽ mới nhận ra là không có gì bế tắc, không có gì bi quan bởi vì chủ trương nhà nước không phù hợp thực tế chứ đâu phải chúng ta không làm được. Nhờ vậy, Bộ Chính trị mới thấy chủ trương quản lý kế hoạch tập trung, bao cấp là không đúng cho nên kinh tế bị đình đốn, sản xuất không được, dân mới đói. Từ đó, trung ương tổng kết và nâng lên thành lý luận.
Đường lối Đổi mới đã ra đời tại Đại hội VI năm 1986 trên cơ sở thực tiễn là như vậy.
TP Hồ Chi Minh Ảnh: Hải Đông
Nhớ lại thời điểm làn gió đổi mới bao trùm cả nước, TP HCM thật tự hào vì cách làm của thành phố đã được trung ương lắng nghe và chấp thuận. Giai đoạn ấy, tôi là một trong những người sát cánh Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt (sau này là Thủ tướng Chính phủ) trong những ngày đầu xuống cơ sở, tìm cách làm mới để “xé rào”, bung ra sản xuất. Lúc đó, lãnh đạo và người dân thành phố ai cũng phấn khởi, càng phát huy tinh thần đổi mới càng bung ra sản xuất mạnh mẽ. Gánh nặng về tư tưởng “sợ bị quy chụp” cũng được trút bỏ.
Từ nền tảng đó, TP HCM tiếp tục đóng góp nhiều mô hình, cơ chế kinh tế mới cho trung ương sau Đại hội VI. Chẳng hạn, năm 1989, UBND TP ban hành quyết định về các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân; thí điểm thành công việc hình thành KCX và KCN tập trung. KCX Tân Thuận là mô hình KCX đầu tiên tại Việt Nam được TP HCM thành lập vào năm 1991. Thành phố còn thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 1992; thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước (Ngân hàng CP Sài Gòn Công Thương vào năm 1987, Ngân hàng Xuất nhập khẩu vào năm 1989)...
Phan Anh ghi
Bình luận (0)