Gọi chị là kỹ sư cũng đúng vì chị tốt nghiệp kỹ sư sinh hóa nhưng gọi chị nông dân cũng không sai vì chị xuất thân trong gia đình nông dân trồng nấm truyền thống ở vùng ngoại thành Hà Nội; được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021".
Khát khao làm nông nghiệp công nghệ cao
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê canh tác nông nghiệp, nên ngoài giờ học chị Nguyễn Thị Hồng còn giúp cha mẹ trồng nấm. Tuổi thơ gắn với sự vất vả, lam lũ của người nông dân nhưng công việc trồng nấm lại khiến chị yêu thích. Chị ước mơ sẽ đưa công nghệ vào sản xuất nấm để có thể phát triển, mở rộng và làm giàu bằng nghề này. Ước mơ đó đã thôi thúc chị thi đỗ vào Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư sinh hóa, chị Hồng đã tìm được công việc không quá vất vả, ổn định, lương cao ở nhà máy bia. Nhưng ngay sau đó, chị đã xin nghỉ để làm công việc mình yêu thích từ bé.
Thực ra chị Hồng đã say mê với nông nghiệp từ lúc còn ngồi trên ghế trường phổ thông và luôn khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp. Vì thế, năm 2003, khi đang là sinh viên, chị đã tham gia thực hiện dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lần tìm đọc tài liệu về nấm linh chi, chị tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo. Khi đó, ở Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố. Tuổi trẻ, với sự tò mò và đầy hứng thú trước những điều mới mẻ, chị Hồng đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo.
Từ mối duyên đó, chị Hồng cần mẫn đi tìm câu trả lời và quyết tâm tạo hướng đi cho tương lai của mình gắn với đông trùng hạ thảo. Trải qua 6 năm miệt mài nghiên cứu với sự tư vấn hỗ trợ chuyên môn từ những chuyên gia khoa học hàng đầu Việt Nam, lần lượt các dự án của chị đều thu được kết quả cao.
"Tôi muốn phát triển nghề trồng nấm nên cứ cố gắng làm, cố gắng nghiên cứu khoa học, kiểu gì cũng tới đích. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi quá trình cố gắng của mình trong suốt mười mấy năm đã thành quả ngọt" - nữ kỹ sư Nguyễn Thị Hồng mãn nguyện.
Từ dấu ấn đó, chị tiếp tục xây dựng hai địa điểm nuôi cấy giống đông trùng hạ thảo để chủ động vùng nguyên liệu, một cơ sở tại quê ngoại ở xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) và một cơ sở tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Khi có nguồn nguyên liệu ổn định, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc cho ra đời 12 sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo, cung cấp tới khách hàng qua hệ thống hàng ngàn cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành; đồng thời xuất sang các thị trường: Đức, Anh, Úc...
Hiện mỗi năm, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc cung cấp cho thị trường khoảng 20-30 tấn đông trùng hạ thảo; trong đó 50% cho các công ty dược liệu trong nước, 30% xuất khẩu và 20% chế biến thành sản phẩm tươi, khô, dạng viên. Doanh thu mỗi năm của công ty đạt trung bình 40 tỉ đồng; tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương và hàng chục lao động ở các vùng nguyên liệu trong nước, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, chị Hồng còn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho khoảng 300 học viên và giúp nhiều người khởi nghiệp thành công từ trồng nấm đông trùng hạ thảo.
Kỹ sư Nguyễn Thị Hồng bên sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình
Chị Nguyễn Thị Hồng (bên phải) trao đổi kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo với đồng nghiệp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đi qua thất bại để đến thành công
Chị Nguyễn Thị Hồng nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo và quá trình phát triển Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc cũng lắm gian nan: "Vào những năm 2009-2013, tôi đang loay hoay lo vốn để vừa sản xuất nấm ăn vừa tiếp tục nghiên cứu cho hướng đi đã chọn thì một buổi chiều mùa đông, có đoàn khách đến thăm.
Qua trò chuyện, thấy tôi nhiệt huyết, có kiến thức và khát khao tạo việc làm cho nhiều người, đoàn khách cam kết đầu tư không hoàn lại cho tôi hơn 300 triệu đồng. Khi nhận được số tiền đó, cùng với số vốn gom góp được từ bán nấm, tôi dốc hết vào mua sắm máy móc sản xuất và đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, quá trình triển khai nuôi cấy trên quy mô lớn không dễ dàng. Do đông trùng hạ thảo là loại khá "đỏng đảnh", trong khi mình thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên những mẻ nuôi cấy đông trùng hạ thảo bị thoái hóa theo từng giờ chứ không phải từng ngày. Có thời điểm cả chục ngàn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại cả tỉ đồng".
Quyết tâm làm lại, chị Hồng cùng đồng nghiệp lặn lội lên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao gần 3.000 m, quan trắc các chỉ tiêu khí hậu, tìm trong rừng già đến vùng ven suối, ven hồ... nhiều tháng liền để có được 115 chủng giống đông trùng hạ thảo; trong đó có những chủng giống chứa hàm lượng hoạt chất cordycepin rất cao, lên tới 10 mg/g. Mẫu giống được chuyển về Hà Nội để tách bào tử luôn trong ngày mới bảo đảm nuôi cấy. Chưa hết khó khăn, 2 năm đầu tiên nuôi cấy thành công nhưng doanh nghiệp chưa bán được sản phẩm nào, vẫn chỉ mang đi biếu tặng để tiếp thị.
"Mọi người chưa hiểu đông trùng hạ thảo lợi ích cho sức khỏe như thế nào nên phải cho dùng thử. Khi dùng thấy tốt, người nọ mới giới thiệu người kia. Tôi bán được chính là từ những những lời giới thiệu của khách hàng" - chị Hồng nhớ lại.
Chia sẻ thành quả với nông dân
Chị Nguyễn Thị Hồng cảm thấy rất xúc động, hạnh phúc khi được bình chọn là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021". Bởi quá trình cố gắng của chị trong những năm qua đã được ghi nhận. Chị luôn tâm niệm sẽ tiếp tục phát triển nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo và lan tỏa thành quả của mình đến được với người nông dân; qua đó, cung cấp nhiều sản phẩm tăng cường sức khỏe cho mọi người cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Chị cho rằng để phát triển nông nghiệp bài bản, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau. Nông dân có nguồn nông sản, doanh nghiệp có dây chuyền, công nghệ chế biến sâu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nông dân sẽ không phải lo lắng hiện tượng dồn ứ hàng khi thị trường bị đóng băng hoặc tiêu thụ khó khăn.
Bình luận (0)