1. Sau ngày 30-4-1975, các đồng chí lãnh đạo đã có ấn tượng tốt đẹp với sự phát triển của doanh nghiệp ở Sài Gòn. Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, ngày 29-9-1975 đã quyết định:
"Miền Nam có những thuận lợi rất lớn: đông đảo quần chúng là yêu nước, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, có xu hướng tiến bộ, nhạy bén trong việc tiếp thu kỹ thuật mới. Điều kiện thiên nhiên thuận lợi, chính quyền cách mạng tiếp quản được gần nguyên vẹn cơ sở vật chất và kỹ thuật của chế độ cũ. Thực hiện tốt sự kết hợp và hỗ trợ giữa hai miền thì miền Nam có khả năng khắc phục những khó khăn trước mắt, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển trong cả nước.
Đối với kinh tế của tư sản dân tộc, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh, bắt đầu từ những cơ sở sản xuất và kinh doanh quan trọng. Cho phép tư sản dân tộc tồn tại và kinh doanh một số ngành nghề nhất định phù hợp với quốc kế dân sinh, với số công nhân hạn chế, dưới sự chỉ đạo của nhà nước và sự giám sát của công nhân. Cho phép đồn điền trồng cây công nghiệp hoặc cây ăn quả của tư sản dân tộc tiếp tục kinh doanh, đến lúc thích hợp sẽ thực hiện cải tạo bằng hình thức công tư hợp doanh. Nhà nước phải ban hành Luật Lao động, chế độ tiền lương, chế độ BHXH, quy định mối quan hệ mới giữa chủ và thợ, bảo đảm cho công nhân có một vị trí thích đáng trong xí nghiệp tư nhân".
Một số HTX, cửa hàng mậu dịch ở TP HCM vào những năm trước Đổi Mới . Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Rất tiếc, do có những diễn biến chính trị phức tạp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12-1976 đã quyết định không tiếp tục chính sách đúng đắn này mà đưa cả nước "đi lên chủ nghĩa xã hội", thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam tháng 3-1978, áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung lên cả nước, đặt mục tiêu tăng trưởng 14%/ năm cho giai đoạn kế hoạch 5 năm 1976-1981.
Trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp ở TP HCM gặp nhiều vướng mắc trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung; toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp đều phải tuân thủ các chỉ tiêu từ trên áp đặt xuống như giá cả, vật tư, địa chỉ tiếp nhận đầu ra tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ... Thực tế khác xa so với các chỉ tiêu trên giấy tờ: Sau khi sử dụng hết kho vật tư dự trữ, doanh nghiệp thiếu vật tư để tiếp tục duy trì sản xuất, thiếu ngoại tệ mạnh để nhập khẩu nguyên - vật liệu, lạm phát phi mã trong khi giá giao hàng của doanh nghiệp được quy định ổn định thấp hơn giá thị trường, doanh nghiệp sản xuất càng nhiều thì thua lỗ càng lớn, triệt tiêu động lực đối với doanh nghiệp. Quan hệ xuất - nhập khẩu với thị trường truyền thống của TP HCM bị quy định chặt chẽ, phải xin phép từ Hà Nội... Hậu quả, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, số người lao động mất việc làm tăng lên.
Ngoài ra, TP HCM khi ấy còn phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo tại các cửa hàng mậu dịch. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân thành phố này phải ăn bo bo trong khi các tỉnh miền Tây thừa ứ gạo trong kho nhưng không có chỉ tiêu cho phép bán cho TP HCM. Mỗi tỉnh lập trạm kiểm soát gạo vận chuyển, thực hiện "ngăn sông cấm chợ", kiểm soát hành chính đối với lưu thông hàng hóa.
2. Trước tình hình bức bách ấy, lãnh đạo TP HCM lúc đó đứng đầu là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã nhất quyết không chịu bó tay, chờ đợi giải pháp từ cấp trên mà đã chủ động đi đến các xí nghiệp để tìm hiểu tình hình và tìm kiếm giải pháp. Ban Thường vụ Thành ủy phân công nhau, kể cả Bí thư Thành ủy, trực tiếp đi đến 15 xí nghiệp, nhà máy trọng điểm để nghiên cứu cụ thể từ thực tiễn, cùng bàn bạc với lãnh đạo doanh nghiệp để tìm ra nguyên nhân, phát hiện những vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Bí thư Võ Văn Kiệt trong nhiều ngày liền đi đến Nhà máy Dệt Việt Thắng ở Thủ Đức - một nhà máy có khá đông công nhân, trang thiết bị hoạt động tốt, có quan hệ thị trường trong nước và ngoài nước tốt. Từ phân tích thực tiễn, thảo luận sâu sát với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân, người đứng đầu thành phố đã dũng cảm đi đến đúc kết quan trọng: Rào cản lớn nhất dẫn đến tình trạng sản xuất bị đình đốn chính là cơ chế quản lý kế hoạch tập trung quan liêu, bất chấp các quan hệ và nguyên tắc của kinh tế thị trường. Lãnh đạo Thành ủy TP HCM đã tự chịu trách nhiệm quyết định phải "xé rào" kế hoạch tập trung để các doanh nghiệp được tự chủ sản xuất kinh doanh, để sản xuất bung ra. Doanh nghiệp được thu mua nguyên vật liệu từ thị trường tự do để sản xuất, tự hạch toán và tiêu thụ trên thị trường.
Một số HTX, cửa hàng mậu dịch ở TP HCM vào những năm trước Đổi Mới . Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Từ thực tế này đã hình thành mô hình "kế hoạch 3 phần": phần sản xuất theo kế hoạch, phần sản xuất sử dụng vật tư tự thu mua từ thị trường, ngoài chỉ tiêu kế hoạch và phần kinh doanh theo sáng kiến của doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) - cơ quan nghiên cứu có quy chế là một ban của Trung ương Đảng và một bộ của Chính phủ mới được thành lập năm 1978 do đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm viện trưởng - đã nghiên cứu các biện pháp của TP HCM, ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp cải cách này và vận dụng vào việc chuẩn bị Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV họp tháng 8-1978. Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra "những khuyết điểm về kế hoạch hóa, về xây dựng chính sách cụ thể, về các biện pháp tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc xây dựng kế hoạch kinh tế vẫn tập trung quan liêu, thiếu căn cứ thực tế và khoa học, chưa kết hợp chặt chẽ kế hoạch hóa với sử dụng thị trường, chưa chú ý đầy đủ tăng cường và phát huy kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, và cũng chưa chú ý sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế cá thể và tư sản dân tộc (ở miền Nam). Chậm khắc phục tình trạng trì trệ, bảo thủ trong việc xây dựng các chính sách cụ thể về kinh tế, tài chính để khuyến khích phát triển sản xuất. Những khuyết điểm vi phạm quyền làm chủ tập thể của quần chúng vẫn chưa được sửa chữa kiên quyết. Có những biểu hiện nóng vội, giản đơn trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam". Và xác định: "Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là động viên cao độ và tổ chức toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, nhằm trước hết bảo đảm vững chắc lương thực và thực phẩm, đồng thời cung ứng nhiều nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu".
Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và quyết định của Chính phủ là sự xác nhận những sáng kiến cải cách của lãnh đạo TP HCM, khẳng định vai trò tiên phong của thành phố.
Cụ thể hóa những chủ trương này, ngay trong năm 1978, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết bãi bỏ tình trạng "ngăn sông cấm chợ" giữa các tỉnh, ban hành Quyết định 25/ CP và Quyết định 26/CP về đổi mới cơ chế quản lý đối với các xí nghiệp quốc doanh, chính thức hóa cơ chế "Kế hoạch 3 phần", xí nghiệp được tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Sự cởi trói đó đã đem lại sức bật và khởi sắc trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu, mở đầu cho quá trình cải cách vi mô ở cấp doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện, tiền đề cho công cuộc Đổi Mới sau này.
Ảnh: VŨ MINH QUÂN
3. Trong những năm tiếp theo, TP HCM luôn giữ vững vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước. Với diện tích đất đai chỉ chiếm 0,6% và dân số chiếm 10% cả nước nhưng kinh tế của TP HCM đóng góp 22% vào tổng sản phẩm nội địa quốc gia (GDP), đóng góp 29,4% tổng thu ngân sách; là trung tâm tài chính, tín dụng, xuất - nhập khẩu, du lịch lớn nhất cả nước và là một trung tâm kinh tế quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. TP HCM liên tục có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước, năm 2018 đạt tốc độ tăng 8,3%, 44.126 doanh nghiệp tư nhân mớí đăng ký hoạt động.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những nhân tố chủ yếu quyết định năng lực cạnh tranh trước đây như lao động trẻ giá rẻ sẽ giảm dần tầm quan trọng mà thay vào đó là sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh, khoa học - công nghệ, chất lượng và số lượng của lực lượng lao động chất lượng cao và quan trọng nhất là đội ngũ các nhà quản trị chiến lược của doanh nghiệp, ngân hàng.
Với ưu thế về công nghệ thông tin, có quan hệ thương mại quốc tế sâu rộng, TP HCM tiếp tục dẫn đầu về kinh tế số (digital economy) với thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, các công ty tài chính số hóa (fintech), vận dụng các chuỗi khối (blockchain) trong liên kết các chuỗi giá trị, các hình thức mới như kinh tế chia sẻ (sharing economy), kinh tế tự do (gig economy), làm việc từ xa (remote job) đang phát triển với tốc độ cao.
Cục Thuế TP HCM cũng đã gửi 13.145 giấy mời với trên 15.297 website và tài khoản Facebook do cơ quan thuế thu thập được tới các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử. Báo chí đưa tin về một thanh niên 20 tuổi có thể kiếm được 20 tỉ đồng trong một năm, chứng tỏ khả năng phát triển to lớn của nền kinh tế số này.
TP HCM đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn để trở thành một thành phố thông minh, có kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối liên thông, tạo ra cơ hội phát triển mới mạnh mẽ, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tác giả Lê Đăng Doanh từ năm 1971 làm phiên dịch cho Đoàn Cố vấn Cộng hòa Dân chủ Đức sang giúp Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng; làm cán bộ của Ban Nghiên cứu Cải tiến quản lý kinh tế Trung ương do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị làm trưởng ban (V12, Văn phòng Chính phủ); từ năm 1978 làm cán bộ Ban Tổng hợp - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); từ năm 1981 được biệt phái sang giúp việc cho đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Thường trực Ban Bí thư. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tham gia các đoàn công tác của Trung ương vào TP HCM, thăm và thảo luận với các doanh nghiệp, tham gia nhiều cuộc gặp làm việc với các lãnh đạo thành phố, hỗ trợ biên soạn tài liệu...
Bình luận (0)