xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thanh toán điện tử ngày càng dễ

THÁI PHƯƠNG

Chưa bao giờ người dùng có thể dễ dàng sử dụng các kênh thanh toán điện tử thay cho tiền mặt từ ngân hàng điện tử, ví điện tử, QR Code, thẻ thanh toán… như hiện nay

"Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt" là chủ đề của Diễn đàn Banking Vietnam 2019, sáng nay 30-5 ở Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức.

Thanh toán qua di động tăng vọt

Rất nhiều vấn đề sẽ được đưa ra bàn luận tại diễn đàn trong bối cảnh xu hướng thanh toán qua điện thoại di động đang trở nên ngày càng phổ biến. Chị Ngọc Lam (làm việc tại quận 3, TP HCM) khoảng 1 năm nay mỗi khi đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay nhà hàng, quán cà phê… chị không còn cầm tiền mặt nhiều như trước, thậm chí chẳng cần tới thẻ ATM, thay vào đó mọi thanh toán đều được thực hiện thông qua chiếc điện thoại thông minh tích hợp nhiều loại ví điện tử của các hãng khác nhau. Khi nhân viên thông báo số tiền phải trả, chị mở ứng dụng ví điện tử ra và quét mã QR để thanh toán. Việc thanh toán qua điện thoại không chỉ tiện lợi, an toàn mà chị còn tiết kiệm được một khoản kha khá nhờ biết lựa chọn những cửa hàng có ưu đãi, giảm giá khi trả tiền qua ví.

Còn với những khoản chi tiêu khác như tiền điện, nước, viễn thông hay mua thẻ cào điện thoại, đặt vé máy bay, khách sạn, tour du lịch… từ vài năm trước chị Ngọc Lam cũng không còn dùng tiền mặt để thanh toán nữa. Tất cả đều được chị trả qua Internet Banking, Mobile Banking và nay là ví điện tử, rất nhanh chóng và tiện lợi, không cần phải đến tận nơi xếp hàng, chờ đợi tới lượt như trước.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược NHNN, nhận xét xu hướng phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt đang nổi lên hết sức mạnh mẽ. Với sản phẩm dịch vụ tài chính ngày càng hiện đại, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử, các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế được cung cấp ngày càng nhiều các công cụ tiện ích cho những giao dịch hằng ngày mà không cần sử dụng tiền mặt. Việc giảm tiền mặt trong nền kinh tế còn giúp gia tăng tính minh bạch và hiệu quả, góp phần làm cho nền kinh tế vận hành tốt hơn.

Thanh toán điện tử ngày càng dễ - Ảnh 1.

Thanh toán qua di động ở các thành phố lớn chưa bao giờ phổ biến và dễ dàng như hiện nay Ảnh: Hoàng Triều

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán NHNN, đến cuối quý I/2019, cả nước có 18.668 máy ATM, 261.705 máy POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học… Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ NH tiếp tục tăng trong quý đầu năm, đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền 171.000 tỉ đồng. Các NH thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ NH để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời nâng cao tính an toàn thanh toán thẻ.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết thanh toán qua internet, điện thoại di động đạt kết quả đáng ghi nhận khi thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Chỉ tính trong quý đầu năm, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng tới 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ; còn giá trị giao dịch qua kênh di động tăng tới 232,3% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào thanh toán

Theo các chuyên gia, chất lượng cung ứng dịch vụ thanh toán được cải thiện là do nhiều đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như áp dụng xác thực sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt...), QR code, số hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment), sử dụng điện thoại thông minh làm thiết bị chấp nhận thanh toán (mPOS)… Những công nghệ, giải pháp mới này đã nâng cao độ an toàn, bảo mật giao dịch và đem lại sự tiện lợi, giảm chi phí, được người tiêu dùng và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ đón nhận tích cực.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đây là điều không hề dễ dàng nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm những mô hình thanh toán mới, buộc các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), ngành NH sẽ phải có nhiều giải pháp chủ động và đột phá hơn nữa, áp dụng công nghệ, các giải pháp sáng tạo để đạt được mục tiêu như đã đặt ra.

"Có thể coi đây là giai đoạn nước rút, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để vừa thực hiện thành công đề án, vừa bổ sung, hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc thực thi chiến lược này cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Banking Vietnam 2019 sẽ là diễn đàn thảo luận chuyên sâu, nhằm tìm kiếm những giải pháp công nghệ có tính thực tiễn cao, phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam hiện nay để giải quyết những vấn đề này" - bà Nguyễn Thị Hòa nhấn mạnh.

Thời gian tới, NHNN sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm cả trong lĩnh vực dịch vụ công. Các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ được triển khai gấp rút cùng với thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ.

Ngoài ra, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực dịch vụ công, bảo đảm kết nối với Cổng dịch vụ quốc gia và hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để các tổ chức, cá nhân có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Cùng với giải pháp thúc đẩy kênh thanh toán điện tử, NHNN sẽ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán cũng như giám sát các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động đúng quy định. Các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thanh toán điện tử cũng được chú trọng nhằm gia tăng niềm tin vào kênh thanh toán này. 

Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động

Báo Nikkei Asia Review (Nhật) vừa qua đánh giá thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt". Còn theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước, vùng lãnh thổ cho thấy Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam từ mức 37% trong năm 2017 đã tăng lên 61%. Mức tăng 24% của Việt Nam ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát. Đây là minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn, tính hiệu quả của những cơ chế chính sách, giải pháp đã thực hiện thời gian qua.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính:

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Thanh toán điện tử tại Việt Nam tăng khá nhanh thời gian qua và có rất nhiều tiềm năng nhờ dân số trẻ, 55% người dùng điện thoại thông minh, thương mại điện tử được dự báo tăng khoảng 20%-22%/năm trong 3 năm tới. Để thúc đẩy thanh toán điện tử, cần hoàn thiện, cập nhật đề án thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành chiến lược tài chính toàn diện.

Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh, thanh toán mới như fintech, cho phép nhận diện khách hàng qua các kênh điện tử, chấp nhận chữ ký số nhiều hơn; nghiên cứu hạ thấp giá trị tối đa được giao dịch bằng tiền mặt chẳng hạn mức 10 triệu đồng, còn lại cần thanh toán điện tử, chuyển khoản. Khuyến khích thanh toán điện tử bằng cách giảm thuế, phí...

Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas):

Phát triển thêm nhiều tính năng thanh toán mới

Trên nền tảng hạ tầng công nghệ thẻ chip nội địa tiếp xúc và không tiếp xúc, Napas sẽ cùng các NH nghiên cứu phát triển việc tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm... và các dịch vụ công, công ích; ứng dụng cùng với hạ tầng số hóa để cung cấp sản phẩm thanh toán trên nền tảng di động - thanh toán một chạm, phát triển tính năng mới cho sản phẩm thẻ nội địa.

Với khả năng đa ứng dụng trên một thẻ và thông qua việc hợp tác giữa Napas với các tổ chức thẻ quốc tế, việc phát hành ra thị trường thẻ đồng thương hiệu (co-badge) giữa thẻ nội địa và quốc tế, cho phép khách hàng sử dụng một tấm thẻ chip đa năng thuận tiện cả trong nước và nước ngoài sẽ trở thành hiện thực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo