Theo văn bản nêu trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại văn bản 1621 ngày 22-7 của Văn phòng Trung ương về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của AVG, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thanh tra toàn diện dự án MobiFone mua cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định.
Đổi chủ sau 8 năm
Trước đó, MobiFone cho biết tháng 12-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Đến ngày 8-1, MobiFone chính thức công bố mua 95% cổ phần của AVG song không nêu rõ số tiền bỏ ra là bao nhiêu. MobiFone sẽ tiếp nhận nguyên trạng truyền hình An Viên trong 3-6 tháng.
Đến ngày 29-4, MobiFone công bố truyền hình An Viên chính thức thay đổi thương hiệu, biểu tượng dịch vụ thành MobiTV sau khi thuộc quyền sở hữu của nhà mạng này.
Trước đó, năm 2008, AVG được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỉ đồng do ông Phạm Nhật Vũ làm chủ tịch HĐQT. Sau một năm thử nghiệm (tháng 10-2010), truyền hình An Viên chính thức phát sóng ngày 11-11-2011 sau khi được Bộ TT-TT cấp phép thiết lập hạ tầng mạng vào tháng 5-2011. Công nghệ truyền hình của AVG dựa trên 2 hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình là truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh, sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2), chuẩn nén MPEG4 và công nghệ mạng đơn tần (SFN). Thời điểm đó, lãnh đạo AVG giới thiệu là công nghệ truyền hình tiên tiến nhất thế giới trong việc truyền dẫn, phát sóng và là đơn vị đầu tiên của châu Á thử nghiệm thành công và triển khai áp dụng trên diện rộng.
Truyền hình An Viên trong ngày ra mắt - Ảnh: CTV
Tuy nhiên, lúc đó, nhiều đài truyền hình như VTV, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV), Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB)… cũng đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2) như AVG. Công nghệ của AVG chỉ hơn công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 1 của VTC.
AVG là nhà cung cấp dịch vụ và xây dựng hạ tầng truyền hình nên không được độc lập đứng tên làm chủ các kênh truyền hình và tự chủ sản xuất nội dung mà phải liên kết với các đài phát thanh và truyền hình để sản xuất. Tiêu biểu như kênh truyền hình về Phật giáo (kênh An Viên) mà AVG đã liên kết với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương (BTV) sản xuất nội dung; kênh An ninh TV (ANTV) thì AVG hợp tác với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình, Điện ảnh Công an Nhân dân; liên kết với Truyền hình Hà Nội để sản xuất nội dung cho kênh An ninh thế giới…
AVG có khoảng hơn 400.000 thuê bao trong tổng số khoảng 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên cả nước. Bên cạnh đó, thuê bao của đơn vị này chủ yếu phát triển ở nông thôn nhờ giá rẻ (trung bình 30.000-50.000 đồng/thuê bao/tháng) và có chính sách miễn phí thuê bao từ 1-2 năm.
Trả lời báo chí vào năm 2011, một lãnh đạo của AVG công bố mục tiêu của kênh truyền hình này sau 3 năm là có được từ 500.000 đến 3 triệu thuê bao. “Với tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số đến năm 2011 là gần 1.500 tỉ đồng, nếu tính thêm tiền cho thiết bị thu nhận tín hiệu IP và giải mã thành tín hiệu audio và video hiển thị trên TV (set-top box - STB) thêm khoảng 600 tỉ đồng nữa thì có thể khẳng định là chúng tôi sẽ lỗ lớn trong 3-4 năm đầu tiên nhưng từ năm thứ 5 sẽ có lãi” - vị lãnh đạo này nói.
Từ lỗ thành lãi
Ngày 1-7, trả lời báo chí, Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà cho biết sau 6 tháng chuyển về MobiFone, truyền hình An Viên và nay là MobiTV đã phát triển thêm 168.000 bao thuê, lãi 6,4 tỉ đồng. “Đây là lần đầu tiên dịch vụ MobiTV đạt lợi nhuận sau một thời gian truyền hình An Viên bị lỗ” - ông Trà nói.
Mục tiêu của MobiFone là phát triển 1 triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016 và trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam vào năm 2020.
MobiFone cũng thông báo sẽ xây dựng truyền hình như một phần trong “dải sinh thái” phục vụ hơn 40 triệu khách hàng hiện có. Theo đó, MobiFone sẽ xây dựng một kênh truyền hình kết hợp viễn thông theo công nghệ mới nhất, khác với các nhà đài khác trên thị trường như VTVcab, K+ và Viettel. Dự kiến, MobiFone sẽ cung cấp một số dịch vụ truyền hình theo hình thức miễn phí mà không ràng buộc phí thuê bao.
Năm 2015, MobiFone là một trong những doanh nghiệp viễn thông lãi lớn, với doanh thu 36.900 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.395 tỉ đồng.
AVG có nhiều công ty con
AVG do ông Phạm Nhật Vũ và một nhóm các nhà đầu tư lập nên, thường được gọi là nhóm các nhà đầu tư An Viên. AVG có nhiều công ty con, trong đó có Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu, Công ty CP Truyền thông và Viễn thông An Viên, Công ty CP An Minh, Công ty CP Truyền thông Tri Thức…
Bình luận (0)