Đại sứ Nhật Bản tại VN Mitsuo Sakaba làm “nóng” diễn đàn bằng việc nói thẳng về một nút “thắt cổ chai” của cơ sở hạ tầng VN-ngành công nghiệp phụ trợ.
Chỉ lo chuyện ngắn hạn
Theo Đại sứ Sakaba, đó là ngành “quyết định sự sinh tồn của ngành công nghiệp VN”. Cũng theo Đại sứ Sakaba, mặc dù trong Sáng kiến chung Việt - Nhật, hai bên đều đề cập đến nội dung cũng như các bước phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhưng cho đến nay, ngành này chưa đạt đủ độ “tin cậy, tỉ lệ nội địa hóa của phụ kiện VN còn quá thấp”, nhiều phụ tùng linh kiện vẫn còn phải nhập từ Nhật và các nước Đông Nam Á dẫn đến chi phí sản xuất tăng, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm cùng loại ở nước khác chắc chắn thấp đi. Đại sứ Sakaba cho rằng nguyên nhân ngành phụ trợ VN phát triển kém là do “VN mới quan tâm đến vấn đề ngắn hạn mà chưa xử lý các vấn đề trung hạn, các chính sách còn yếu kém và rời rạc, mang tính bột phát, liên kết giữa các bộ, ngành liên quan còn mơ hồ, khó hợp nhất, ảnh hưởng đến tương lại phát triển kinh tế của VN. Hiện ở VN có ít nhà sản xuất phụ tùng linh kiện có thể đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Sakaba cho rằng cần phải có cơ quan quản lý trách nhiệm cụ thểcủa phía VN mới có thể không gặp phải cảnh đổ lỗi trách nhiệm cho nhau.
Sản xuất chi tiết phụ trợ cho ngành ô tô tại Công ty Furukawa Sky trong KCX Tân Thuận – TPHCM. Ảnh: T. THẠNH |
Tổng Giám đốc JETRO Michitaka Nakatomi cho rằng doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến chính sách pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển công nghiệp phụ trợ trong Sáng kiến chung Việt- Nhật. Ông Nakatomi cho biết hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào VN mới chỉ dừng lại ở mức doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này mong muốn được Chính phủ VN hỗ trợ các hoạt động đầu tư-kinh doanh để họ có thể làm ăn lâu dài tại VN.
Nhanh chóng hành động
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận công nghiệp phụ trợ vốn là điểm yếu của VN do cơ sở hạ tầng của VN còn yếu kém. Bộ trưởng nêu rõ, VN và Nhật Bản đang thỏa thuận xây dựng quy hoạch phát triển quy hoạch công nghiệp phụ trợ tại VN trong Sáng kiến Việt - Nhật giai đoạn 2 và 3, trong đó chú trọng phối hợp huy động nguồn lực giữa chính phủ và tư nhân. Theo ông Võ Hồng Phúc, đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào VN là 17 tỉ USD, với mức giải ngân 10 tỉ USD. Với nguồn vốn ODA to lớn của Nhật Bản, Chính phủ VN sẽ xem xét những dự án có tầm quan trọng trước mắt để huy động góp vốn tham gia của Chính phủ và tư nhân, đồng thời kết hợp với nguồn vốn tư nhân của Nhật Bản để phát triển cơ sở hạ tầng. Hình thức đầu tư mới của VN là chú trọng đầu tư theo hướng Nhà nước và tư nhân cùng tham gia, những công trình nào tư nhân có thể phát huy khả năng sáng tạo sẽ được Chính phủ tạo điều kiện.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec (Khu Công nghệ cao TPHCM), 100% vốn đầu tư của Nhật. Ảnh: H.THÚY |
Chính phủ cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản đầu tư vào xây dựng đường quốc lộ, sân bay. Theo ông Phúc, tuy các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đã có mặt ở VN như ngành thép, ô tô, chế tác nhưng ngành công nghiệp VN vẫn còn rất non yếu. VN đang chú trọng cải tiến môi trường đầu tư với đối tác Nhật Bản và hai nước đang chuẩn bị ký Hiệp định đối tác kinh tế (EPA).
Đại sứ Nhật Sakaba cho biết trong thời gian tới cần nhanh chóng thực hiện “ Kế hoạch hành động” trên cơ sở hợp tác giữa hai bên. Các nhóm công tác sẽ bắt tay vào công việc cụ thể vào cuối tháng này để thảo luận các giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để có thể bắt đầu triển khai vào đầu mùa hè này.
Bình luận (0)