Thorakao và Vina Giầy là hai trong các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam sở hữu những đặc điểm đáng quý đó.
Nghĩ khác, làm khác
Biết tiếng Thorakao, nhiều tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam làm ăn đã đến gặp ông Huỳnh Kỳ Trân đặt vấn đề mua lại hoặc mời Thorakao liên doanh… “Gia đình tôi luôn kiên định lập trường là dù thế nào đi nữa cũng phải cố gắng giữ gìn nghề gia truyền, xem đó là tài sản quý để lại cho các con thay vì bán đi để dành tiền cho chúng. Vì thế, chúng tôi đã từ chối mọi lời đề nghị mua lại Thorakao” - ông Trân kể.
Quyết tâm là vậy nhưng những năm sau 1997, Thorakao không thể tránh được tình trạng bị chia sẻ thị phần bởi các tập đoàn nước ngoài. Và trong lúc nhiều nhãn hàng mỹ phẩm tung tiền quảng cáo ào ào thì Thorakao không làm như thế. Người ta nói rằng đó là lý do khiến cái tên Thorakao bị lu mờ dần nhưng ông Trân lại nghĩ khác: “Phải biết lượng sức mình, bỏ tiền ra lúc ấy chẳng khác nào muối bỏ bể. Nếu chịu đương đầu thì phải đủ sức, dài hơi chứ không thể lấy trứng chọi đá để rồi tiền mất tật mang”.
Có lẽ cũng vì thế mà Thorakao vẫn theo con đường riêng của mình, chọn phân khúc thị trường hợp lý để đầu tư, khai thác. Với khoảng 100 mặt hàng, Thorakao hiện có lượng khách hàng trung thành đáng kể ở trong nước, đặc biệt là giới nghệ sĩ, diễn viên và người tiêu dùng ở nông thôn. Phần lớn sản phẩm của nhãn hàng này được xuất khẩu. Người Việt xa quê ở châu Âu, Mỹ và Úc giờ đây vẫn còn ưa chuộng và tin dùng Thorakao như ngày trước. “Đó là niềm vui, động lực lớn để chúng tôi không ngừng nghiên cứu, cho ra sản phẩm tốt hơn” - ông Trân tỏ bày.
Đưa thiên nhiên, cỏ cây vào sản phẩm và giá bán vừa túi tiền, đó là đặc trưng, là lối đi riêng mà Thorakao lựa chọn để âm thầm chờ ngày bứt phá.
Tài năng và khát vọng
Ở tuổi ngoài 70, không khó để nhận ra ông chủ của thương hiệu Vina Giầy - nghệ nhân Vũ Chầm - với mái tóc bạc trắng và nụ cười đôn hậu. Giới thiệu về mình và Vina Giầy, ông nói ngắn gọn: “Tôi là nghệ nhân đóng giày hơn 60 năm nay, nhiều lần tay trắng làm lại. Còn Vina Giầy của tôi chỉ mới có đây thôi, được 21 năm”.
Vào Sài Gòn, ông lân la khắp nơi tìm việc để nuôi sống mình và phụ giúp mẹ già. Tài năng của Vũ Chầm bắt đầu được phát lộ qua những đôi giầy đẹp, bền và hợp thị hiếu lúc bấy giờ. Biệt tài của ông là đóng giầy Tây theo lối thủ công nhưng bền, đẹp, rất êm chân. Thời kỳ 1965-1974, ông trở thành nghệ nhân đóng giầy có tiếng bậc nhất ở Sài Gòn… Tiếng lành đồn xa, uy tín cũng tăng lên, nhờ đó mà thương hiệu giầy nổi tiếng của Pháp tại Sài Gòn lúc bấy giờ là Bata đã đặt hàng cơ sở ông gia công. Một thời gian sau, ông mở thêm thương hiệu Giầy Sài Gòn. Có đến 50 thương hiệu giầy ở các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào phía Nam đặt hàng cơ sở ông gia công. Từ anh thợ đóng giầy chân ướt chân ráo, Vũ Chầm trở thành ông chủ của hơn 200 công nhân cùng 2 thương hiệu Giầy Thanh Bình và Giầy Sài Gòn.
Sau năm 1975, Giầy Thanh Bình và Giầy Sài Gòn trở thành tài sản của Nhà nước, Vũ Chầm làm công nhân đóng giầy trong Tổ hợp Sản xuất Hoàng Diệu, quận 4; lương 13 kg gạo/tháng. Ông kê chiếc tủ nhỏ đặt trước nhà, tranh thủ nhận sửa - đóng giầy để có thêm tiền nuôi 8 người con ăn học. Nhờ danh tiếng một thời, Vũ Chầm được mời đi đóng giầy cho các vị lãnh đạo cấp cao. Năm 1990, ông rời Tổ hợp Sản xuất Hoàng Diệu, về mở cửa hàng kinh doanh giầy trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Cùng năm đó, thương hiệu Vina Giầy ra đời, đánh dấu sự trở lại của “vua giầy” một thuở!
“Nhiều thương hiệu trong nước không thua kém những nhãn hàng nước ngoài là mấy. Bằng trí tuệ, sự cần cù và sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, hàng Việt sẽ dần lấy lại vị thế”.
Ông Huỳnh Kỳ Trân (chủ thương hiệu Thorakao) |
Kỳ cuối: Đánh thức tiềm lực
Bình luận (0)