Ngày 8-7, Ngân hàng (NH) TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố biểu lãi suất huy động mới theo hướng tăng dần các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng ở mức 5,2%/năm, 3 tháng 5,5%/năm, tăng 0,1%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên từ 7%-7,7%/năm, mức khá cao so với thị trường.
Tăng ở nhiều kỳ hạn
Từ đầu tháng 7-2016, một số NH cổ phần tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn theo hướng tăng. Trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ ngày 6-7, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng lãi suất ở một số kỳ hạn thêm từ 0,2%-0,3%/năm so với trước. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn từ 5-12 tháng từ 5,5%-6,8%/năm và mức cao nhất là 7,4%/năm áp dụng cho khách hàng gửi 36 tháng. Nhân viên giao dịch VPBank cho biết từ đầu tháng 7 đến nay, NH đã 2 lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi dù mức tăng không nhiều và ở các kỳ hạn khác nhau.
Đây là đợt sóng tăng lãi suất tiếp theo khi trước đó vào giữa tháng 6-2016, một số NH cổ phần cũng đã nhích dần lãi suất huy động. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một số NH đã liên tục điều chỉnh lãi suất đầu vào nhưng theo xu hướng nhích dần lên.
Tại báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định nếu quý I/2016, các NH thương mại chỉ tăng nhẹ lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn dài từ 0,1%-0,5%/năm so với cuối năm trước, thì từ ngày 14-6, tại một số NH thương mại nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài đã tăng tới 0,7%/năm so với cuối năm 2015. Nguyên nhân được cơ quan này nhìn nhận là bởi lãi suất tăng khi NH thương mại đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước.
Theo UBGSTCQG, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NH cổ phần nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, nhất là lãi suất huy động trung và dài hạn. Bởi theo Thông tư 06, tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 50% vào đầu năm 2017 và tiếp tục xuống 40% vào đầu năm 2018. Điều này khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỉ trọng lớn.
Doanh nghiệp sốt ruột
Lãi suất đầu vào tăng đã kéo lãi suất cho vay nhích lên trong những tháng qua. Thống kê của UBGSTCQG cho thấy lãi suất cho vay trong quý I/2016 đã tăng nhẹ ở kỳ hạn dài so với cuối năm trước từ 0,2%-0,5%/năm. Lãi suất cho vay tăng trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh còn khó khăn khiến không ít doanh nghiệp (DN) lo lắng.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết vài tuần trước, lãi suất cho vay vẫn ổn định và các khoản vay của công ty ông tại NH thương mại đang được hưởng mức lãi suất khá thấp. Tuần rồi, ông được NH thông báo tăng lãi suất cho vay. Mức điều chỉnh chỉ từ 0,1%-0,2%/năm là không cao nhưng cũng khiến ông lo lắng bởi công ty này đang tính mở rộng quy mô sản xuất khi kinh doanh gặp nhiều khó khăn buộc DN phải cân nhắc.
Tổng Giám đốc Công ty Vissan, ông Văn Đức Mười, cũng nhìn nhận rằng lãi suất cho DN vay dù đã giảm nhiều so với trước nhưng vẫn là gánh nặng tài chính, nhất là đối với DN nhỏ và vừa. Nay nếu lãi suất cho vay nhích lên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm không như kỳ vọng là rất khó cho các DN.
Do gặp nhiều khó khăn, nửa đầu năm nay, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tính toán của UBGSTCQG, hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối DN phi tài chính đang có xu hướng giảm do các loại phí như tài chính, thuế phí... tăng nhiều.
Các chỉ số thể hiện hiệu quả hoạt động của DN cũng giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng doanh thu bình quân và tổng tài sản bình quân của khu vực DN tư nhân thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. “Mục tiêu” giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN vẫn có cơ sở triển khai trong trường hợp không có các cú sốc lớn từ bên ngoài nền kinh tế. Cũng bởi lạm phát và tỉ giá vẫn trong tầm kiểm soát, cộng thêm các NH thương mại nỗ lực giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương giảm lãi vay của nhà nước” - đại diện UBGSTCQG nhận định.
Khó giữ lãi suất trong dài hạn
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng lãi suất có thể tăng trở lại trong thời gian tới khi giá các loại nhiên liệu trên thế giới có xu hướng phục hồi, việc tăng các dịch vụ y tế sẽ tác động khiến lạm phát tăng trở lại... “Trong ngắn hạn, lãi suất có thể duy trì ở mức như hiện nay nhưng dài hạn thì rất khó. Muốn giảm lãi suất phải xem dư địa chính sách tiền tệ còn bao nhiêu để nới lỏng chứ không thể in thêm tiền. Sắp tới, nguồn vốn cho DN sẽ khó khăn hơn vì lãi suất có thể tăng nhưng mức tăng sẽ không đáng kể. Có điều, dù trong trường hợp lãi suất tăng, nền kinh tế cũng không quá bị ảnh hưởng nhờ lãi suất trái phiếu Chính phủ đang đi xuống và lãi suất bình quân liên NH ở mức thấp” - TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Bình luận (0)