xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thất thoát đất "vàng" ở Khánh Hòa (*): Những dự án chờ "gọi tên"!

Bài và ảnh: KỲ NAM

Khánh Hòa còn rất nhiều dự án sử dụng đất công có dấu hiệu sai phạm nhưng chưa được các cơ quan chức năng thanh - kiểm tra và công bố

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chủ trương cho phép rà soát, nghiên cứu khu đất có diện tích khoảng 6 ha thuộc kho cảng Bình Tân, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang để làm quỹ đất thanh toán giá trị đầu tư đường số 4 theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư VCN (Công ty VCN). Điều đáng nói là dự án BT đường số 4 đi qua 2 khu đô thị (KĐT) của chính Công ty VCN làm chủ đầu tư.

Doanh nghiệp "trúng vàng"

Theo đó, từ tháng 10-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty VCN ký hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dự án đường số 4 (đoạn từ đường số 6 đến đường số 23) khu vực phía Tây Lê Hồng Phong, TP Nha Trang với chiều dài 3.126,27 m, bề rộng mặt đường từ 18-22,5 m bao gồm vỉa hè. UBND tỉnh sẽ hoàn vốn cho Công ty VCN bằng quỹ đất rộng 3,86 ha thuộc quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu Trung tâm Đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (khu đất sân bay Nha Trang cũ). Tháng 3-2020, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quyết toán dự án BT đường số 4 điều chỉnh với giá trị tài sản hình thành qua đầu tư là 205 tỉ đồng.

Theo hợp đồng BT đường số 4, Công ty VCN sẽ nhận 3,86 ha khu đất sân bay Nha Trang cũ. Nhà đầu tư này tính toán khu đất có tổng giá trị khoảng 303,26 tỉ đồng. Đây là mức giá rất thấp so với giá trị thật các khu đất quanh sân bay Nha Trang cũ thời điểm 2015. Đến nay, do có nhiều vướng mắc nên việc giao đất chưa hoàn thành, chủ đầu tư đành xin "đổi" khu đất ở kho cảng Bình Tân (cách biển vài trăm mét).

Về việc xây dựng đường số 4, các chuyên gia bất động sản cho rằng đây là "miếng bánh ngon" cho Công ty VCN. Lý do vì đường số 4 là trục xương sống, là bộ mặt của nhiều dự án KĐT phía Tây đường Lê Hồng Phong. Trong số 3,1 km đường số 4 đã có đến 2 KĐT do chính Công ty VCN làm chủ đầu tư là: VNC Phước Hải và VCN Phước Long. 

"Điều đầu tiên khi làm dự án là phải xây dựng đường giao thông. Sau khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại đường giao thông cho nhà nước quản lý. Đường số 4 trở thành con đường xương sống, có giá đắt nhất trong các KĐT phía Tây Nha Trang. Có thể nói, doanh nghiệp (DN) vừa có đường giao thông để phát triển dự án vừa được đổi đất "vàng". Đây đúng là lợi kép" - một chuyên gia về bất động sản nhận định.

Cũng từ hợp đồng BT, khu đất vàng rộng 27.000 m2 ở số 32 đường biển Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) sẽ được xây dựng siêu dự án Sunshine Marina Nha Trang với gần 2.670 căn hộ, phòng khách sạn. Cụ thể, ngày 3-10-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký hợp đồng BT với Công ty CP Vinaminco Khánh Hòa (Công ty Vinamico) đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Nha Trang, giai đoạn 1 (nay trường này đã được đổi tên thành Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Nha Trang). Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng tỉnh Khánh Hòa được ủy quyền ký chính thức hợp đồng BT vào ngày 14-8-2015.

Đến nay, nhà đầu tư này đã xây nhà hiệu bộ, nhà học, nhà luyện tập thể dục thể thao… cho nhà trường với tổng mức đầu tư hơn 302 tỉ đồng. Quyền lợi cho DN này là được sử dụng khu đất 32 Trần Phú để khai thác, kinh doanh, thu hồi vốn. Nếu với giá xây dựng 302 tỉ đồng thì khu đất "vàng" này chỉ có giá 11 triệu đồng/m2.

Thất thoát đất vàng ở Khánh Hòa (*): Những dự án chờ gọi tên! - Ảnh 1.

Công ty VCN làm đường số 4 theo hình thức BT đi qua 2 khu đô thị VCN Phước Long, VCN Phước Hải

Lập lờ công - tư

Với hàng loạt dự án bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm ở Khánh Hòa, dư luận đặt câu hỏi liệu còn bao nhiêu dự án nữa chưa được phát hiện, xử lý? Bởi thời gian qua, ở Khánh Hòa có quá nhiều khu đất "vàng" được giao cho DN một cách tùy tiện, không thông qua đấu thầu, đấu giá.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một dự án có diện tích lớn nằm mặt tiền đường biển được giao cho DN thuê 47 năm với giá chưa tới 500.000 đồng/m2/năm. Từ năm 2011, chủ đầu tư (DN ở TP HCM) xin được đầu tư bằng hình thức liên doanh với DN khác (là DN nhà nước) để xây dựng khu phức hợp gồm khách sạn, căn hộ cao cấp.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã có văn bản đồng ý chủ trương cho liên doanh thực hiện dự án với pháp nhân mới. Vốn điều lệ tại thời điểm liên doanh năm 2012 là 50 tỉ đồng, DN nhà nước chỉ chiếm 20% cổ phần. Sau 3 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, vốn nhà nước trong liên doanh này chỉ còn 8,89%.

Đến năm 2015, ông Lê Đức Vinh (thời điểm này là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) tiếp tục ký quyết định thu hồi khu đất của DN nhà nước giao cho DN MNĐ làm dự án Khu phức hợp thương mại - khách sạn - căn hộ. Tại khu đất "kim cương" này, dự án triển khai thi công 2 tòa tháp với quy mô 1 tòa tháp có đến 706 căn hộ du lịch với giá bán 75 - 85 triệu đồng/m2.

Bằng phương thức tương tự, khu đất rộng hơn 1.000 m2 là rạp chiếu phim số 10 Hoàng Hoa Thám do Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa (ĐAKH) quản lý với 2 mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám và Trần Văn Ơn, chỉ cách biển 200 m đã bị "phù phép" vào tay tư nhân với giá… 6,1 tỉ đồng. Cụ thể, vào năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Trung tâm ĐAKH liên doanh, liên kết với Công ty TNHH Tân Thịnh Phát để đầu tư dự án Sao Việt với pháp nhân là Công ty Sao Việt. Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra và định giá số tài sản còn lại ở rạp phim số 10 Hoàng Hoa Thám là gần 6,1 tỉ đồng làm vốn góp của Trung tâm ĐAKH vào dự án.

Điều kỳ lạ hơn, sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, ngày 9-10-2014, Chủ tịch UBND tỉnh (thời điểm đó là ông Nguyễn Chiến Thắng) đồng ý việc Trung tâm ĐAKH không tham gia góp vốn đầu tư liên doanh với Công ty Tân Thịnh Phát. Công ty Tân Thịnh Phát có trách nhiệm nộp số tiền bồi hoàn giá trị tài sản còn lại gần 6,1 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Công ty Tân Thịnh Phát chỉ bỏ ra 6,1 tỉ đồng để "độc chiếm" lô đất công này mà không cần đấu thầu, đấu giá…

210 dự án "ngốn" 6.662 ha đất

Cuối năm 2020, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã công bố kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh" từ năm 2014 đến 2018. Theo đó, trong tổng diện tích đất cần thu hồi gần 10.200 ha cho 1.692 dự án thì chỉ 210 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách và các DN đã "ngốn" hơn 6.662 ha.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo