Thông tin cho thấy nhiều loại nông sản có tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch rất cao, nhất là mặt hàng rau quả. Thực trạng này làm tăng giá thành sản xuất dẫn đến cạnh tranh yếu ngay trên thị trường nội địa, để hàng hóa ngoại nhập cùng loại tràn ngập thị trường.
Ông Nguyễn Duy Đức, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết tổn thất sau thu hoạch đối với rau quả hiện rất cao từ 25%-30%. Sở dĩ thất thoát sau thu hoạch còn quá cao là do thời gian qua nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm đến vấn đề này. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỉ lệ chế biến thấp dưới 10%.
Theo ông Đức , việc nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ sau thu hoạch của các thành viên hệ thống cung ứng chưa đầy đủ. Chưa có sự kết hợp nghiên cứu chiều sâu trước và sau thu hoạch. Chưa đầu tư nghiên cứu giống và công nghệ sau thu hoạch thích hợp. Chất lượng nông sản sau thu hoạch thấp, không đồng đều, chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những điều này dẫn đến số lượng không đủ cung cấp cho thị trường lớn cả nội địa và xuất khẩu. Hệ thống cung ứng còn manh mún, nhỏ lẻ, quá nhiều đầu mối (hầu hết do thương lái điều tiết). Công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn yếu.
Để giải quyết vấn đề trên cần phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý cận thu hoạch bằng các chất điều hòa sinh trưởng, kéo dài thời gian thu hoạch. Rau quả cần thu hoạch đúng độ chín, thời điểm thu hoạch tránh tình trạng khi nắng, khi mưa. Cần chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ phù hợp, tránh tình trạng va chạm cơ học làm dập sản phẩm. Rau quả sau khi thu hoạch cần nhanh chóng đưa ngay về phòng xử lý để quản lý nhiệt độ, làm sạch. Bảo quản tươi tại chỗ theo hướng bọc màng bán thấm. Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, tiệt trùng bằng nước nóng đối với một số rau quả. Ứng dụng hệ thống sơ chế tại các chợ đầu mối.
Hiện đại hóa các dây chuyền chế biến, xây dựng hệ thống kho có công nghệ bảo quản phù hợp, đầu tư phương tiện vận chuyển có bảo quản mát. Bảo quản bằng phương pháp xử lý nhiệt với nước nóng, không khí nóng, hơi nóng để diệt nấm gây thối nâu trên trái, bệnh thán thư; sử dụng vi sinh vật đối kháng. Thông gió, thoáng khí, bảo quản lạnh. Bảo quản bằng màng bao sinh học, hóa chất phù hợp, khí ozone, công nghệ CAS...
Theo GS-TS Ngô Đại Nghiệp và cộng sự bộ môn sinh học, Khoa Sinh học Trường ĐH Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, việc sản xuất Chitosan từ các dẫn xuất và hợp chất tự nhiên với nguồn nguyên liệu phế phẩm tôm cua có nhiều công dụng kháng khuẩn, nấm cho trái, ứng dụng cho thực phẩm, mỹ phẩm. Chất này còn thay thế hàn the trong chế biến chả lụa để làm tăng độ dai.
Hoặc một đề tài khoa học khác của TS Nguyễn Văn Nguyện, Trung tâm Dinh dưỡng và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, đó là công nghệ sản xuất bột canxium peptic từ phụ phẩm cá tra. Đây là chất giúp hạn chế thiếu hụt canxi khẩu phần cho người, với chi phí thấp nhưng cho hiệu quả cao.
Bình luận (0)