Hiện tượng bán hàng trên các kênh quảng cáo truyền hình đang ngày càng sôi động và phức tạp. Hàng hóa thì “thượng vàng hạ cám” nhưng đều có điểm chung là quảng cáo thì hết sức hấp dẫn nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
Đủ loại hàng hóa đang rao bán trên truyền hình. Ảnh: Hồng Thúy
Quảng cáo thổi phồng
Sau sự xuất hiện của TV Shopping (TVS) – kênh truyền hình đầu tiên chuyên về mua sắm được phát sóng trên kênh VCTV11 của Truyền hình Cáp Việt Nam - hình thức bán hàng qua truyền hình phát triển rầm rộ. Đến nay, hình thức bán hàng này đã rộng khắp, trong đó phải kể đến các kênh như Style TV, cuộc sống tiện ích, mua sắm thú vị (Truyền hình Hà Nội); Viet Home Shopping (VHS) trên HTVC+; Home Shopping Network (HSN) phát sóng 24/24 giờ trên SCTV; TVS – VHS trên SCTV5; Let’s Việt trên VTC9… Ngoài ra, các đài truyền hình địa phương như Bình Dương, Vĩnh Long, Long An cũng có giờ riêng dành cho quảng cáo loại này…
Hàng hóa rao bán trên truyền hình gồm đủ loại như bàn ghế, tủ giường, đồ dùng gia đình, các loại dụng cụ nhà bếp đến dụng cụ thể dục, làm đẹp, các loại trang sức, mỹ phẩm, các loại thực phẩm chức năng, sâm, lộc nhung, yến sào… Nhiều người tiêu dùng lầm tưởng các chương trình này là của đài truyền hình, được nhà đài kiểm duyệt nhưng thật ra đây hoàn toàn là “sản phẩm” của các công ty kinh doanh, mua sóng truyền hình để tiếp thị bán hàng...
Theo quy định của Bộ Thông tin - Truyền thông, các nhà đài sẽ phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng, giá cả, nguồn gốc… của sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế, các đài truyền hình không thể kiểm tra chất lượng của từng sản phẩm nên phó mặc cho đơn vị bán hàng. Vì vậy, tình trạng quảng cáo thổi phồng kiểu như “bàn chải công nghệ sóng siêu âm giúp hàm răng trắng khỏe sau 21 ngày sử dụng”, “áo ngực mát xa có hoạt tính nano giúp vòng 1 của bạn như dậy thì trở lại”, “viết có chức năng giúp học sinh ngồi thẳng lưng”, “kem làm trắng da siêu tốc, xóa mọi tì vết chỉ trong 30 giây”… cứ nhan nhản xuất hiện và phát ra rả mỗi ngày…
Đụng đâu, dính đó
Sau cơn sốt “cây lau nhà đa năng”, hiện nhiều bà nội trợ đang bị hấp dẫn bởi những bộ dụng cụ nhà bếp với những tính năng đặc biệt như bình lọc nước cung cấp chất dinh dưỡng làm đẹp da; dao “thông minh” cắt nước đá, thịt đông lạnh nhẹ như cắt bánh kem…
Chị Thanh Hương, nhà ở quận 7-TPHCM, cho biết chị đã chi hơn 2 triệu đồng để mua chảo 2 mặt H. và dao cắt nước đá, thịt đông lạnh. “Gọi là “dao thông minh” nhưng chỉ cắt nước đá được vài lần là lưỡi dao lì ra, cắt thịt cũng không đứt”- chị Hương thất vọng.
Chị Hà (quận Phú Nhuận - TPHCM) còn bức xúc hơn: Thấy trên tivi quảng cáo bếp gas hiệu P. có giá hơn 4 triệu đồng nhưng có nhiều tính năng vượt trội, chị mua ngay một bộ. Thế nhưng mới sử dụng hơn một tháng, bếp bắt đầu giở chứng đánh lửa không lên. Năm lần bảy lượt gọi điện thoại mới có người đến kiểm tra. Nhân viên này xác nhận bếp có hiện tượng nghẹt gas, rồi lúi húi sửa nhưng chỉ một ngày sau, bếp trở chứng như cũ. Lại điệp khúc điện thoại hẹn lên hẹn xuống mới có nhân viên khác xuống xem xét. Có điều sau khi kiểm tra, nhân viên này “phán” một câu xanh rờn: Gas sắp hết! Nhưng khi khổ chủ phản đối vì bình gas mới mua thì anh ta phán tiếp: Gas có vấn đề về chất lượng nên làm hư bếp! Rồi phủi tay ra về. Tức mình, chị Hà nhờ người tháo bếp chở ra tiệm sửa. Lúc này, chị mới tá hỏa khi biết chiếc bếp chị mua mắc hơn giá thị trường đến 800.000 đồng…
Anh Hùng Lâm (quận 11- TPHCM) phản ánh: Mới đây, anh mua một hộp hồng sâm lát của Hàn Quốc và một hộp yến sào chế biến sẵn để biếu mẹ. Tin vào tài giới thiệu “có cánh” của cô người mẫu xinh đẹp, anh gọi điện thoại đặt hàng. Khi được giao hàng, vừa mở hộp sâm, anh Lâm không tin vào mắt mình nữa: Hộp hồng sâm có giá trên 3 triệu đồng nhưng chỉ có vài lát lớn dát trên bề mặt, phần còn lại là những miếng nhỏ xíu, xếp lèo tèo bên những lớp vải nhung trang trí. Mở tiếp hộp yến sào, anh đổ một trong 8 hộp nước yến đã chế biến sẵn ra chén thủy tinh thì chỉ thấy chừng vài muỗng nước yến loãng loét; đổ cả 4 hộp vẫn chưa đầy chén. Anh Lâm nhẩm tính: “Giá một lạng yến trên thị trường chừng 5 triệu đồng, có thể hấp được hơn chục chén yến. Thế mà với gần 3 triệu đồng, hộp yến này chưa đủ 2 chén thì đúng là “cắt cổ” khách hàng, đó là chưa nói đến chất lượng có bảo đảm hay không”...
Rất nhiều người đã từng dùng qua sản phẩm bán trên truyền hình phản ánh giá hàng hóa quá cao, chất lượng khác xa hàng quảng cáo và khi gặp sự cố thì người mua chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi việc bảo hành, bảo trì rất kém...
Happy Shopping vẫn quảng cáo Theo thông tin từ QLTT TPHCM, Công ty CP Mua sắm Hạnh Phúc (đơn vị bán hàng qua truyền hình với tên gọi Happy Shopping) đã thừa nhận vi phạm, đóng phạt và thực thi các biện pháp xử lý tang vật. Tuy nhiên, từ khi có quyết định của UBND TPHCM xử phạt đơn vị này 451,5 triệu đồng do 8 hành vi vi phạm trong kinh doanh, kể cả kinh doanh hàng giả, hàng lậu… nhưng chương trình quảng cáo sản phẩm của Happy Shopping vẫn phát bình thường trên một số kênh truyền hình (theo website của Happy Shopping có đến 11 đài truyền hình phát sóng chương trình của công ty). Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Kim Phú, Trưởng đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử tại TPHCM, cho biết cục đã gửi văn bản chính thức đến các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước kiểm tra các quảng cáo của Happy Shopping và báo cáo ngay về cục. Theo quy định, sản phẩm quảng cáo trên truyền hình phải có tờ khai hải quan (nếu là hàng nhập khẩu), giấy chứng nhận chất lượng… Trước mắt, cục chờ kết quả báo cáo từ các đài và sẽ tiến hành rà soát lại, nếu phát hiện đài nào vi phạm thì sẽ xử lý ngay. T. Nhân |
Bình luận (0)