Thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết đơn vị này sẽ liên minh cùng 6 ngân hàng (NH) thương mại gồm: Công Thương Việt Nam (VietinBank), Bản Việt (Viet Capital Bank), Á Châu (ACB), Phát triển TP HCM (HDBank), Bảo Việt (BaoViet Bank) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để phát hành thẻ chip tín dụng và thẻ ghi nợ nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở do NH Nhà nước ban hành. Dự kiến, các thẻ này sẽ ra mắt chính thức vào ngày 25-1.
Tính năng lớn nhất của thẻ tín dụng nội địa là khách hàng được chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi suất lên tới 55 ngày (thẻ tín dụng quốc tế là 45 ngày). Bên cạnh đó, loại thẻ này cho phép chủ thẻ giao dịch trong hạn mức do NH phát hành thẻ quy định, có thể lên tới 100 triệu đồng.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, khách hàng được sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt với mức phí thấp, với kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp vốn tín dụng giá rẻ hơn, từ đó hạn chế tín dụng đen.
Thẻ tín dụng nội địa với mức phí thấp và nhiều ưu đãi được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa được tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas, cho biết thẻ tín dụng nội địa Napas kết hợp với các NH thương mại khác, hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập thấp, không chỉ là thẻ thanh toán chi tiêu trước, trả tiền sau mà khi có nhu cầu gấp về vốn còn có thể rút tiền mặt với mức phí chỉ khoảng 1,1%-1,3% giá trị giao dịch. Mức phí rút tiền mặt này có lợi thế hơn nhiều so với những loại thẻ tín dụng quốc tế đang áp dụng hiện nay là 4% giá trị giao dịch (hoặc thu phí rút tiền mặt tối thiểu từ 70.000 đồng/giao dịch).
Một số ý kiến cho rằng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là việc không được khuyến khích nhưng thực tế, có rất nhiều đối tượng khách hàng cần tiền mặt với mục đích chính đáng như hộ kinh doanh; khách hàng cá nhân cần vốn cho kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ...
"Ở phân khúc khách hàng này, số vốn vài chục triệu đồng được xem là khá lớn và khi mở thẻ tín dụng nội địa, họ có thể rút tiền mặt với mức phí thấp. Do đó, với thẻ tín dụng nội địa, khách hàng có thêm sự lựa chọn khi cần vốn xoay xở trong ngắn hạn, qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt" - ông Nguyễn Quang Minh kỳ vọng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 22-1, đại diện NH TMCP Bản Việt xác nhận việc NH đang phối hợp cùng Napas để cuối tháng này cho ra mắt 2 dòng thẻ tín dụng nội địa thuần Việt với nhiều lợi ích và tính năng vượt trội cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sacombank nhận định việc thị trường có thêm dòng thẻ tín dụng nội địa với phí cạnh tranh sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng đối với những nhu cầu thanh toán trong nước. Phí rút tiền mặt thấp là một lợi thế, hỗ trợ khi khách hàng có nhu cầu tiền mặt đột xuất.
Một số chuyên gia thẻ cũng kỳ vọng thẻ tín dụng nội địa dễ tiếp cận với chi phí sử dụng hợp lý hơn sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đẩy lùi các hoạt động tín dụng đen...
Theo Napas, trong giai đoạn đầu, sẽ có 6 NH thương mại phát hành thẻ tín dụng nội địa. Sau đó, thêm nhiều NH thương mại, công ty tài chính sẽ tiếp tục tham gia phát hành loại thẻ này. Napas kỳ vọng lượng thẻ tín dụng nội địa trong 1-2 năm tới sẽ chiếm khoảng 15%-20% tổng lượng thẻ NH phát hành, cạnh tranh trực tiếp với những loại thẻ tín dụng quốc tế khác đang có trên thị trường.
Các NH thương mại cho rằng với hạ tầng thanh toán hiện tại, các NH có thể tiếp nhận và đáp ứng thẻ tín dụng nội địa. Riêng vấn đề bảo mật, lãnh đạo Napas cho biết các dòng thẻ tín dụng nội địa khi khách hàng thanh toán giá trị giao dịch lũy kế dưới 3 triệu đồng sẽ không cần điền mã PIN, chữ ký xác nhận nhằm tạo thuận lợi cho thanh toán không tiền mặt.
Bình luận (0)